Làm thế nào để thoát khỏi “cơn ác mộng” về chứng hôi miệng?
Hôi miệng là một vấn đề rất nhiều người đang gặp phải, bất kể mọi lứa tuổi và giới tính. Tình trạng này dù không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng sẽ tác động tiêu cực đến giao tiếp, sinh hoạt và hiệu suất công việc. Chính vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, từ đó nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân sẽ là một giải pháp “hữu hiệu” bảo vệ sức khỏe răng miệng của mỗi người.
1. Hôi miệng là gì?
Hôi miệng là một tình trạng rất phổ biến hiện nay có thể gặp ở mọi lứa tuổi, bất kể là trẻ em hay người lớn, tỷ lệ mắc hôi miệng ở nam và nữ gần như bằng nhau. Người bị hôi miệng hơi thở sẽ có mùi hôi khó chịu khi nói cười hoặc thở bằng miệng. Không những vậy, tình trạng hôi miệng sẽ tăng dần theo tuổi, càng lớn tuổi mùi hôi sẽ càng nặng. Chứng hôi miệng dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại tác động tiêu cực đến sinh hoạt, tâm lý và giao tiếp hàng ngày.
2. Nguyên nhân gây hôi miệng
Có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng nhưng chủ yếu là do sự giải phóng các loại hợp chất sulphur trong khoang miệng. Dưới đây là một số nguyên nhân gây hôi miệng mà bạn nên biết:
2.1. Vi khuẩn gây hôi miệng
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hôi miệng là do sự sản sinh các hợp chất sulphur, được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có chức năng phân giải protein. Nhóm vi khuẩn này thường “trú ngụ” ở những vị trí ứ đọng trong khoang miệng như túi nha chu, kẽ răng, lưỡi hay sâu trong răng. Nếu không có biện pháp loại bỏ các vi khuẩn này kịp thời chúng sẽ dẫn đến chứng hôi miệng thường gặp.
2.2. Hôi miệng tạm thời
Trường hợp hôi miệng tạm thời là khi bạn sử dụng một số thực phẩm, đồ uống nặng mùi nên gây ra mùi hôi khó chịu. Nhưng chỉ cần bạn vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau một thời gian thì tự động hết. Lý do là có loại đồ ăn thức uống mà bạn sử dụng có ảnh hưởng đến quá trình phân hủy tạo sulphur trong khoang miệng, khiến hơi thở có mùi. Dưới đây là một số thực phẩm có thể dẫn đến chứng hôi miệng tạm thời bao gồm:
– Thực phẩm làm khô miệng: Rượu, thuốc lá, thực phẩm giàu protein, thực phẩm giàu đường và sữa… Các thực phẩm này khi thủy phân trong khoang miệng sẽ giải phóng ra hợp chất sulphur gây hôi miệng.
– Hành tỏi: Là nhóm thực phẩm có chứa sulphur rất cao, nếu ăn nhiều thực phẩm này chúng sẽ đi vào máu và giải phóng ở trong phổi, ra bên ngoài qua hơi thở.
– Hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc miệng, khiến lớp niêm mạc bị khô. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn làm tăng khả năng bay hơi trong miệng và phổi. Từ đó, dẫn đến tình trạng hôi miệng ngày càng nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc giảm sản xuất hay tiết nước bọt khi ngủ cũng là một trong những yếu tố gây ra chứng khô miệng tạm thời khiến hôi miệng vào buổi sáng khi thức dậy.
2.3. Hôi miệng do các vấn đề trong khoang miệng
Các bệnh lý trong khoang miệng chính là “thủ phạm” hàng đầu dẫn đến chứng hôi miệng, đa phần là do viêm nhiễm trong khoang miệng, chẳng hạn:
– Các bệnh lý như viêm nha chu, viêm nướu, viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính, viêm quanh răng, viêm quanh thân răng, áp xe,…
– Các bệnh về xương như viêm tủy xương, viêm ổ răng khô, hoại tử xương và các bệnh ác tính khác cũng góp phần khiến hơi thở có mùi.
– Những vết lở loét ác tính, giảm tiết nước bọt, hội chứng Sjogren, bị nấm candida ở vùng miệng cũng là nguyên nhân gây hôi miệng.
– Tác dụng của một số loại thuốc, xạ trị, hóa trị cũng có thể gây hôi miệng.
2.4. Một số nguyên nhân khác
Với những người bị chứng hôi miệng kéo dài có thể là do nguyên nhân từ bên ngoài khoang miệng như:
– Một số loại thuốc làm ảnh hưởng đến hơi thở như: Amphetamine, chloral hydrate, phenothiazin, thuốc gây độc tế bào, disulfiram, dimethyl sulphoxide, nitrate và nitrite.
– Bệnh lý toàn thân: Rối loạn hô hấp, viêm xoang, viêm amidan,…
– Bệnh dạ dày – ruột: Người mắc bệnh trào ngược dạ dày, thực quản cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng hôi miệng.
– Hội chứng mùi cá ươn: Do rối loạn chuyển hóa, cơ thể không chuyển hóa được trimethylamine trong thức ăn có mùi tanh dẫn đến tích tụ trong gan trước khi được đào thải ra ngoài. Dù vậy bạn không cần quá lo lắng bởi hội chứng này rất hiếm gặp.
– Người mắc các bệnh về gan, thận, tiểu đường có khả năng bị hôi miệng do sự phân hủy mỡ ở trong cơ thể.
3. Hôi miệng là triệu chứng của bệnh gì?
Hôi miệng dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo bất thường về sức khỏe. Cụ thể, người bị hôi miệng có thể mắc bệnh về dạ dày – thực quản bởi hơi thở thường xuyên có mùi chính là một biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Ngoài ra, thoát vị hoành cũng dẫn đến chứng trào ngược dạ dày – thực quản hay nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày kéo theo hôi miệng. Vì vậy, nếu cảm thấy chứng hôi miệng cứ dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4. Làm thế nào để hết hôi miệng?
Chứng hôi miệng hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu biết được nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn để thoát khỏi “cơn ác mộng” mang tên hơi thở có mùi:
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày, chải răng đúng cách với loại kem đánh răng phù hợp và đừng quên dùng chỉ tơ nha khoa để loại bỏ hết các mảnh vụn thức ăn bám trong miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng máy tăm nước để “quét sạch” các mảnh vụn thức ăn cứng đầu bám ở kẽ răng.
– Sau mỗi lần đánh răng làm sạch lưỡi nhẹ nhàng với lông bàn chải đánh răng. Đồng thời, nên hạn chế dùng miếng cạo lưỡi để tránh làm tổn thương mặt lưỡi.
– Uống đủ nước mỗi ngày để tránh khô miệng và tăng cường sức khỏe.
– Tránh xa những chất kích thích như: Rượu bia, thuốc lá…
– Tích cực bổ sung nhiều trái cây và rau, hạn chế ăn thịt và chất béo. Đặc biệt, tránh xa các thực phẩm có thể gây mùi hôi ở miệng.
– Dùng nước súc miệng, bình xịt, kẹo thơm để giảm bớt hơi thở khó chịu trong trường hợp khẩn cấp.
– Chủ động đi khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện các bệnh lý nếu có.
– Khi bị hôi miệng kéo dài thì nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Vừa rồi, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về tình trạng hôi miệng, cũng như những nguyên nhân gây bệnh. Chứng hôi miệng dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến người bệnh trở nên thiếu tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống. Để ngăn ngừa tình trạng hôi miệng cách tốt nhất là chúng ta nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày và từ bỏ những thói quen xấu để hơi thở luôn được thơm mát.