Tất tần tật những điều cần biết về bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh lý rất nguy hiểm, thường gặp ở người lớn tuổi. Đây được xem “kẻ giết người thầm lặng” bởi quá trình tiến triển của bệnh chỉ diễn ra trong âm thầm mà không có những triệu chứng cụ thể. Vậy, bệnh tăng huyết áp là gì? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là một căn bệnh mãn tính có diễn biến khó lường. Tình trạng này xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch, khiến các thành động mạch bị tổn hại dần theo thời gian và hình thành mô sẹo khi nó lành lại. Trường hợp này sẽ khiến các thành động mạch cứng và yếu, đồng thời mảng bám dính vào mô sẹo cũng làm hẹp và cứng các động mạch. Huyết áp tăng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim để đưa máu vào cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ về tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, đột quỵ…
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, trung bình cứ 5 người trưởng thành thì sẽ có 1 người bị bệnh. Năm 2016, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp với con số “báo động” có hơn 40% người trưởng thành. Dưới đây là một số loại cao huyết áp thường gặp như sau:
– Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân của loại cao huyết áp này thường sẽ liên quan đến bệnh thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.
– Tăng huyết áp nguyên phát: Còn gọi là tăng huyết áp vô căn, chiếm đến 90% các trường hợp mà chưa xác định rõ nguyên nhân.
– Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Xảy ra khi huyết áp tâm thu tăng nhưng huyết áp tâm trương bình thường.
– Tăng huyết áp khi đang mang thai: Là hiện tượng tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật có thể dẫn đến những nguy cơ về tim mạch trong thời gian mang thai.
1.1. Tăng huyết áp có mấy cấp độ?
Thông qua thiết bị đo huyết áp, huyết áp thường được xác định dựa trên 2 chỉ số bao gồm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương:
– Huyết áp tâm thu: Là giai đoạn tim co bóp bơm máu ra ngoài, chỉ số huyết áp sẽ xuất hiện đầu tiên hoặc nằm ở trên phần kết quả của thiết bị đo.
– Huyết áp tâm trương: Là giai đoạn giãn nghỉ của động mạch giữa hai lần đập liên tiếp của tim, chỉ số huyết áp sẽ xuất hiện ở vị trí thứ 2 hoặc nằm bên dưới kết quả của thiết bị đo.
Tăng huyết áp có nhiều cấp độ, dựa vào chỉ số huyết áp trên thiết bị đo được thực hiện bởi bác sĩ hoặc người có chuyên môn, bệnh tăng huyết áp được chia các mức độ cụ thể như:
– Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg
– Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên
– Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên
– Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên
– Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên
– Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110 mmHg trở lên
– Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg.
Vì vậy, huyết áp được coi ở mức bình thường là dưới 120/80 mmHg. Nếu huyết áp ở mức 140/90 trở lên thì được xem dấu hiệu của người cao huyết áp.
2.Nguyên nhân gây tăng huyết áp
2.1. Tăng huyết áp nguyên phát
Thông thường, các trường hợp tăng huyết áp thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt là nam giới mà chưa rõ nguyên nhân nên được gọi tăng huyết áp vô căn. Vì hiện nay các chuyên gia vẫn đang trong quá trình tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu cho rằng nguyên căn của bệnh này thường là do di truyền.
2.2. Tăng huyết áp thứ phát
Các bệnh lý như bệnh thận, tuyến giáp, u tuyến thượng thận hay tác hại của thuốc tránh thai, thuốc cảm, những chất kích thích được coi là nguyên nhân hàng đầu khiến tăng huyết áp thứ phát. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ chiếm khoảng 5-10% trong tổng số bệnh nhân cao huyết áp. Nếu khắc phục được nguyên nhân gây bệnh thì sẽ kiểm soát được tình trạng cao huyết áp.
Trường hợp người bệnh tăng huyết áp do những tác dụng phụ của thuốc thì nên ngưng sử dụng thuốc trong một thời gian để ổn định lại huyết áp. Bên cạnh đó, nếu chẳng may trẻ dưới 10 tuổi mắc bệnh tăng huyết áp thứ phát thường là do hệ quả của các bệnh lý gây ra, điển hình là bệnh thận. Vì vậy, gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
2.3. Tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ thường xảy ra ở thai phụ mang thai hơn 20 tuần. Theo đó, tình trạng tiền sản giật cũng xảy ra sau tuần thai thứ 12, kèm theo hiện tượng phù và có đạm trong nước tiểu. Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp khi đang mang thai có thể là do thai phụ bị thiếu máu, nhiều nước ối, lần đầu mang thai, thai phụ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi, có tiền sử cao huyết áp hoặc bệnh tiểu đường…
3. Tăng huyết áp có triệu chứng gì?
Trên thực tế, bệnh tăng huyết áp đều không có bất kỳ triệu chứng nào cụ thể. Bệnh chỉ diễn ra trong âm thầm, người bệnh sẽ không thể nhận biết được các dấu hiệu của bệnh dù đã có những diễn biến khá phức tạp. Nhưng cũng có một số trường hợp người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam. Chính vì lý do đó bệnh tăng huyết áp đã được xem là “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khó lường về tim mạch và cướp đi tính mạng của người bệnh một cách đột ngột.
4. Những ai có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp?
Những ai có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp? Luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều người. Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết cụ thể như:
– Người lớn tuổi: Đối với những người lớn tuổi hệ thống thành mạch máu sẽ không hoạt động hiệu quả như trước nên sẽ có nguy cơ tăng huyết áp.
– Giới tính: Thông thường tỷ lệ nam giới dưới 45 tuổi sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn nữ giới. Nhưng nếu phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh cũng sẽ có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn so với đàn ông trung niên.
– Yếu tố di truyền: Nếu các thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch, thì sẽ có nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố dưới đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng huyết áp như:
– Người thừa cân béo phì
– Người có lối sống thiếu khoa học, không vận động thường xuyên
– Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều muối
– Người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên
– Người thường xuyên căng thẳng, stress quá mức
5. Biện pháp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn là phương châm được nhiều người theo đuổi, đặc biệt là đối với những bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp. Bạn có thể chủ động phòng ngừa căn bệnh này bằng những cách vô cùng đơn giản.
5.1. Chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp duy trì cân nặng ở mức hợp lý và hạn chế được nguy cơ cao huyết áp. Trong chế độ ăn uống mỗi ngày, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm hỗ trợ phòng ngừa tăng huyết áp như:
– Rau xanh và trái cây: Trong rau xanh và trái cây thường chứa nhiều vitamin C, vitamin E và kali có tác dụng ngăn ngừa cao huyết áp. Một số loại trái cây giàu dinh dưỡng mà bạn không nên bỏ qua là: Cam, quýt, thanh long, bơ, dâu, dưa hấu, thơm, chuối, bưởi…
– Ăn cá thường xuyên: Thay vì ăn thịt bạn nên tích cực ăn cá để bổ sung đạm cho cơ thể. Trong cá có chứa nhiều axit béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol trong máu, tốt nhất là bạn nên ăn cá từ 2 – 3 lần trong tuần để phòng ngừa tình trạng cao huyết áp.
– Ngũ cốc thô: Trong các loại ngũ cốc thô như gạo lứt, bắp, yến mạch, bánh mì đen… có chứa nhiều chất xơ giúp chống táo bón. Đồng thời, hạn chế sự hấp thu cholesterol vào máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và nâng cao khả năng tiết axit mật hỗ trợ tiêu hóa.
– Sử dụng chất béo không bão hòa: Nên tích cực bổ sung dầu ô liu, dầu bắp, hướng dương, đậu nành… đây là những chất béo không bão hòa giúp giảm cholesterol. Bên cạnh đó, trong chế độ ăn uống mỗi ngày hãy thay các món chiên, xào bằng món hấp để hạn chế chất béo gây hại cho sức khỏe.
5.2. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Xây dựng một lối sống lành mạnh là “liều thuốc” hỗ trợ phòng ngừa tăng huyết áp hiệu quả. Dưới đây một số lưu ý trong chế độ sinh hoạt hằng ngày như:
– Ăn đúng giờ và đủ bữa, không ăn quá no và quá muộn
– Không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê…
– Đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, hạn chế thức khuya
– Giữ cho tâm trạng luôn được thoải mái, tránh rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng
– Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng theo khuyến cáo bởi các chuyên gia để phòng ngừa bệnh lý về tim mạch và tăng huyết áp. Điển hình là sản phẩm bổ sung dưỡng chất Plant Sterol – chất béo chiết xuất từ thực vật giúp giảm lượng cholesterol trong máu.
5.3. Vận động thường xuyên
Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt lành mạnh, việc luyện tập thể dục thường xuyên cũng góp phần phòng ngừa chứng tăng huyết áp hiệu quả. Bạn nên chọn cho mình một hình thức tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe và duy trì thói quen tập luyện từ 30 – 60 phút mỗi ngày. Nếu cảm thấy những bài tập thể dục quá khó khăn để thực hiện, bạn cũng có thể đi bộ mỗi ngày để cải thiện tinh thần và giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật.
6. Cách chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp
6.1. Đo huyết áp tại phòng khám
Đo huyết áp tại phòng khám là điều kiện tiên quyết để chẩn đoán và theo dõi bệnh cao huyết áp. Theo khuyến cáo của bác sĩ không nên dựa vào một lần khám mà đưa ra kết luận. Để chẩn đoán bệnh một cách chính xác thì nên đo 2 – 3 lần/khám trong thời gian từ 1 – 4 tuần, tùy theo tình trạng của mỗi người. Tuy nhiên, chẩn đoán cũng có thể được thực hiện trong một lần đo nếu cho kết quả là 180/110mmHg, kèm theo những kết luận về bệnh tim mạch của người bệnh.
6.2. Đo huyết áp tại nhà
Đo huyết áp tại nhà hay còn gọi là đo huyết áp ngoài phòng khám, đây là phương pháp bệnh nhân có thể tự do thực hiện tại nhà và theo dõi huyết áp tự động 24h được lặp lại nhiều lần hơn so với tại phòng khám. Cách chẩn đoán này giúp hạn chế được tổn thương cơ quan đích và các biến chứng nguy hiểm về tim mạch, tình trạng tăng huyết áp ẩn giấu. Vì vậy, có thể nói đo huyết áp tại nhà rất cần thiết cho quá trình chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh.
7. Cách điều trị bệnh tăng huyết áp
Điều quan trọng khi điều trị bệnh cao huyết áp là giữ cho huyết áp bệnh nhân luôn ổn định, chỉ số an toàn là dưới 140/90 mmHg. Đối với những trường hợp bị tăng huyết áp kèm theo các bệnh lý như thận mãn tính, đái tháo đường thì bác sĩ sẽ lên một phác đồ điều trị phù hợp để huyết áp ổn định ở mức cho phép là dưới 130/80 mmHg. Tùy theo từng tình trạng bệnh mà có mức huyết áp mục điều trị cụ thể, dưới đây những giải pháp điều trị cao huyết áp phổ biến mà bạn có thể tham khảo.
7.1. Xây dựng lối sống lành mạnh
Thay đổi lối sống lành mạnh sẽ là “công cụ” hỗ trợ đắc lực để rút ngắn thời gian điều trị bệnh tăng huyết áp. Dưới đây là những lời khuyên của bác sĩ để giúp người bệnh kiểm soát được huyết áp bằng cách:
– Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế dùng muối (chỉ nên dùng 6g/ngày).
– Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, vận động vừa sức
– Kiểm soát cân nặng, giảm cân theo hướng dẫn của bác sĩ nếu thừa cân
– Hạn chế tối đa việc dùng các chất kích thích như uống rượu bia, hút thuốc
– Tránh để cơ thể nhiễm lạnh đột ngột
– Kiểm soát tốt các bệnh liên quan như thận mãn tính, đái tháo đường
– Dùng thuốc điều trị cao huyết áp đúng theo chỉ định của bác sĩ
– Thường xuyên theo dõi chỉ số huyết áp ngay tại nhà với loại máy đo thích hợp, chất lượng.
7.2. Thuốc điều trị cao huyết áp
Bên cạnh việc thay đổi lối sống tích cực, người bệnh thường sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc thuốc điều trị huyết áp giúp kiểm soát hiệu quả tình trạng bệnh. Bệnh cao huyết áp có diễn biến rất phức tạp, nên trong quá trình điều trị bệnh bác sĩ sẽ theo dõi và chỉ định loại thuốc phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, có thể thay đổi tăng giảm liều lượng thuốc hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để xác định được phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh.
Một lưu ý cho người bệnh là nên theo dõi tình hình sức khỏe và thông báo với bác sĩ về những tác dụng ngoài ý muốn khi dùng thuốc. Bên cạnh đó, phải uống thuốc đúng theo chỉ dẫn để kiểm soát huyết áp tốt và không được tự ý ngưng sử dụng thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ.
7.3. Điều trị tăng huyết áp trong trường hợp khẩn cấp
Trong một số trường hợp cao huyết áp cần phải được cấp cứu kịp thời tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Đây có thể những ca nguy kịch, nguy cơ tử vong cao nên cần được điều trị kịp thời bằng cách cho thở oxy và dùng thuốc bình ổn lại huyết áp, nhằm cải thiện tình trạng bệnh.
7.4. Chế độ dinh dưỡng dành cho người cao huyết áp
Đối với người bị cao huyết áp việc điều tiết chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng để hạn chế được những rủi ro không mong muốn. Vậy cao huyết nên ăn gì và kiêng ăn gì? Dưới đây là những gợi ý dành cho người cao huyết áp.
8. Các loại thực phẩm mà người bị tăng huyết áp nên tích cực bổ sung
Người cao huyết áp nên ăn nhiều rau củ quả tươi có chứa nhiều kali tốt cho thành mạch bao gồm chuối, quýt, khoai tây, rau bí, bơ, nước ép cà chua, nước ép cam, dưa gang, quả chà là, sữa chua…
Thêm vào đó, người bệnh nên uống 250ml sữa bò hoặc sữa đậu nành mỗi ngày để bổ sung lượng canxi cho cơ thể. Ngoài ra, canxi cũng có trong một số loại rau như: cần tây, rau cải, nấm, mộc nhĩ, tảo. Người cao huyết áp cũng nên dung nạp cho cơ thể lượng iod có trong đồ biển như: Rau câu, sứa biển, tôm tép, tảo biển để phòng ngừa chứng xơ cứng động mạch.
Những dưỡng chất như chất xơ, kali, magie, vitamin C, A, E có trong các món rau xanh, rau củ và quả chín cũng góp phần điều trị cao huyết áp và một số bệnh tim mạch. Với người bệnh huyết áp nên ăn 500g rau của quả/người/ngày và từ 100 – 300g quả chín mỗi ngày.
9. Người bị tăng huyết áp cần hạn chế những thực phẩm gì?
Đối với người bị cao huyết áp không nên ăn các thực phẩm có chứa nhiều cholesterol và axit béo no. Đồng thời, hạn chế dùng loại các thức ăn nhanh, có hàm lượng muối cao như: mì tôm, bánh mặn, gà rán và khoai tây chiên…
Các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, phủ tạng động vật, bơ, trứng, cũng không tốt cho những người bị cao huyết áp.
Đường cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến cao huyết áp, do đó người bệnh cần hạn chế tối thiểu lượng đường nạp vào cơ thể. Ngoài ra, chất béo từ thịt và các loại gia cầm cũng là nguyên nhân gây xơ vỡ động mạch dẫn đến cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ.
Người bệnh cũng cần hạn chế các thức uống như: rượu bia, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc… Các loại thức ăn, nước uống có dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu: hạt sen, ngó sen…
10. Một số câu hỏi liên quan đến bệnh cao huyết áp
10.1. Bệnh tăng huyết áp có di truyền không?
Tăng huyết có di truyền không? luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Theo nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy yếu tố di truyền là một trong nguyên nhân gây cao huyết áp. Nếu các thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp thì con cái sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Vì vậy, những ai có các thành viên trong gia đình bị cao huyết áp, thì cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, giảm thiểu yếu tố di truyền về bệnh này.
10.2. Cấp cứu cao huyết áp tại nhà như thế nào?
Trong vài trường hợp tăng huyết áp đột ngột cần được xử lý kịp thời để hạn chế được những rủi ro. Đầu tiên cần cho người bệnh ngồi hoặc nằm nghỉ, nếu đang đi ngoài đường, ở nơi đông người hay làm việc ngoài trời, thì nên nhanh chóng đưa người bệnh vào bóng râm, mát mẻ, thoáng khí, yên tĩnh, hạn chế tụ tập đông người để người bệnh dễ thở hơn. Sau đó, nên cởi bỏ nón mũ, quần áo cho người bệnh thoải mái và tiến hành đo lại huyết áp.
Nếu huyết áp tâm thu vẫn cao trên 140 mmHg nhưng không quá 160 mmHg, thì có thể cho người bệnh nghỉ ngơi tại nhà và theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải dùng thuốc điều trị để ổn định lại huyết áp và hạn chế ăn mặn, hút thuốc, uống rượu bia, cà phê… Sau khi đã cấp cứu tại nhà nhưng tình trạng không được cải thiện, thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Trường hợp người bệnh bị cao huyết áp đột ngột kèm theo các triệu chứng yếu liệt, đau ngực, khó thở, nhìn mờ, chảy máu, lừ đừ, mê man cần nhanh chóng đưa người bệnh đến khoa cấp cứu của các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh những nguy cơ về sức khỏe.
Tăng huyết áp là một bệnh lý rất nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về bệnh bày. Cũng như biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết!