Những điều cần biết về bệnh viêm xoang
Viêm xoang là một bệnh lý về tai mũi họng rất phổ biến hiện nay. Bệnh nếu không được chữa trĩ kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn viêm xoang mạn tính rất khó điều trị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Chính vì vậy, việc tìm hiểu những thông tin về bệnh cũng như cách phòng ngừa là rất cần thiết để tránh xa căn bệnh này.
1. Viêm xoang là gì?
Viêm xoang hay còn gọi là viêm mũi xoang là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là tình trạng viêm niêm mạc hô hấp trong các xoang cạnh mũi, dẫn đến phù nề tăng tiết nhầy ở niêm mạc các xoang do một vài yếu tố gây tắc nghẽn xoang. Bệnh viêm xoang thường có những dấu hiệu như đau nhức, sốt, chảy nước mũi, nghẹt mũi hay điếc mũi.
Thế nhưng, để sớm phát hiện bệnh là việc không hề dễ dàng bởi những dấu hiệu của bệnh thường không cụ thể, nhất là vào giai đoạn đầu. Đến khi bệnh đã tiến triển nặng mới có những biểu hiện đặc trưng. Viêm xoang nếu diễn ra trong thời gian ngắn và tự khỏi sau 4 tuần gọi là viêm xoang cấp tính. Trong trường hợp, bệnh không được điều trị đúng cách và kéo dài trên 3 tháng gọi là viêm xoang mạn tính.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang
Hiện có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do nhiễm virus, vi khuẩn dẫn đến tổn thương tế bào lông chuyển lớp niêm mạc xoang và gây tình trạng viêm mũi xoang cấp tính.
Bên cạnh đó, bệnh viêm xoang còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khiến cơ địa mẫn cảm, bệnh tái phát như: Thời tiết lạnh, phấn hoa, môi trường, khói bụi… Việc thực hiện các cuộc giải thuật mũi xoang như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi cũng ảnh hưởng đến khả năng lưu thông mũi xoang và dẫn đến tình trạng viêm xoang.
3. Triệu chứng của bệnh viêm xoang
Người bị viêm xoang sẽ xuất hiện các triệu chứng ban đầu là hắt hơi, sổ mũi như bệnh cảm cúm thông thường. Về sau, sẽ có các biểu hiện nghẹt mũi và chảy nước mũi, dịch tiết ở nước mũi có thể trong hoặc màu vàng xanh. Với người bị viêm xoang nặng sẽ có triệu chứng sốt, ho, nặng mặt, đau nhức đầu vùng trán hoặc gò má, khứu giác suy giảm, thậm chí không ngửi thấy mùi.
4. Cách chẩn đoán bệnh viêm xoang
Để chẩn đoán chính xác bệnh bác sĩ thường áp dụng phương pháp nội soi tai mũi họng. Khi tiến hành soi sẽ phát hiện dịch vàng chảy ra từ các khe mũi xoang, niêm mạc xung quanh các khe phù nề, viêm đỏ và xuất tiết.
Một số trường hợp khó chẩn đoán thì được chỉ định chụp cắt lớp vi tính được chỉ định. Thông qua phim cắt lớp sẽ thấy được dịch trong các hốc xoang hay hình ảnh phù nề của niêm mạc khe mũi xoang. Ngoài ưu điểm giúp chẩn đoán chính xác bệnh, chụp cắt lớp vi tính còn giúp phát hiện được những bất thường giải phẫu vùng xoang mũi là một trong những yếu tố có thể gây ra tình trạng viêm xoang.
5. Những đối tượng dễ bị viêm xoang?
Một số đối tượng dễ dàng mắc bệnh viêm xoang có thể kể đến như:
– Người có cơ thể học bất thường như: Vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi, có polyp mũi..
– Người có tiền sử viêm nhiễm các cơ quan lân cận với xoang: Viêm mũi, viêm họng, viêm amydal, viêm tủy, sâu răng…
– Người có tiền sử dị ứng, phụ nữ đang mang thai.
– Người thường xuyên hút thuốc, bị hen suyễn, nhiễm trùng răng và nướu.
– Người có hệ miễn dịch suy giảm và thường xuyên tiếp xúc khói thuốc lá, lông động vật, khói bụi…
6. Các phương pháp điều trị bệnh viêm xoang
Viêm xoang là một trong các bệnh lý rất phức tạp, ở giai đoạn đầu bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang viêm xoang mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Theo đó, việc chưa giải quyết được các yếu tố dị ứng của người bệnh cũng rất khó kiểm soát được tình trạng viêm xoang. Dưới đây là 2 cách điều trị viêm xoang phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
6.1. Điều trị nội khoa
Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp viêm xoang cấp tính. Thông thường, sẽ được chỉ định các thuốc kháng sinh chống viêm, thuốc chống dị ứng và thuốc co mạch chống xuất tiết. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ liều lượng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh dẫn đến viêm xoang mạn tính.
Trường hợp người bệnh phải rửa xoang, bơm thuốc vào để điều trị thì cần phải đến các cơ sở y tế để ngăn ngừa những rủi ro ngoài ý muốn nhưng cần phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị cũng như phòng bệnh.
6.2. Phẫu thuật chữa viêm xoang
Điều trị viêm xoang bằng cách phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh tái đi tái lại trong nhiều năm.
– Viêm xoang đã có những biến chứng ảnh hưởng đến người bệnh như viêm ổ mắt, ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác.
– Phẫu thuật vùng mũi xoang gây ra những bất thường như lệch vách ngăn mũi, polyp quá to thì cần tiến hành phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
7. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm xoang
Việc tránh các tác nhân gây bệnh chính là giải pháp “tối ưu” để phòng ngừa bệnh viêm xoang. Do đó, bạn có thể chủ động tránh xa bệnh viêm xoang bằng những cách sau:
– Giữ gìn vệ sinh tai mũi họng để tránh bị viêm mũi, viêm họng dẫn đến viêm xoang.
– Người bệnh viêm xoang cần phải giữ ấm vùng mũi họng khi gặp thời tiết lạnh để tránh đợt viêm cấp.
– Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, giảm khói, bụi ô nhiễm.
– Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng sẽ giảm tình trạng viêm xoang.
– Xây dựng lối sống khoa học, không thức khuya, ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
Viêm xoang là căn bệnh rất dễ gặp và gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe. Bệnh nếu như không được phát hiện sớm và kịp thời có thể gây ra những biến chứng như viêm dây thần, viêm xương, viêm màng não, áp xe não, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, nếu thấy bản thân xuất hiện bất kỳ triệu chứng của bệnh thì bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y để sớm tầm soát bệnh.