Tất tần tật những điều cần biết về bệnh viêm gan B

Bệnh viêm gan B đã không còn xa lạ với nhiều người. Theo một số thống kê, ở nước ta có khoảng 10 – 20% dân số mắc bệnh, trong đó có đến 5 triệu người nhiễm virus viêm gan B trong trạng thái mạn tính, xơ gan và nghiêm trọng hơn hết là ung thư gan. Vậy căn bệnh này có di truyền không? Triệu chứng nào để nhận biết? Nó nguy hiểm ra sao? Để có cái nhìn rõ nét nhất về bệnh viêm gan B, bạn hãy theo dõi bài viết sau đây nhé!

1. Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một loại bệnh truyền nhiễm, được hình thành từ virus HBV (virus viêm gan B). Loại virus này có kích thước rất nhỏ, chúng được bảo vệ bởi lớp vỏ bọc bên ngoài kiên cố. Virus viêm gan B có khả năng sống trong môi trường tự nhiên với một khoảng thời gian dài mà không hề bị tác động, thay đổi. 

Viêm gan B có khả năng lây nhiễm rất cao
Viêm gan B có khả năng lây nhiễm rất cao

Một khi đã xâm nhập vào gan, chúng bắt đầu phá hủy cơ chế bảo vệ tự nhiên của gan, ảnh hưởng lớn đến hoạt động gan. Từ đó, nó làm tổn thương dần các tế bào gan theo thời gian. Bệnh viêm gan B có thể lây nhiễm ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn tuổi, và không phân biệt giới tính.

2. Những triệu chứng nhận biết bệnh viêm gan B

Nhiều người khi mắc bệnh viêm gan B nhưng vẫn không hề phát hiện bản thân có bệnh. Vì loại bệnh này thường không có các triệu chứng rõ ràng nên rất khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bản thân xuất hiện thường xuyên những triệu chứng sau, thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:

– Cơ thể mệt mỏi trong nhiều ngày, không có cảm giác ngon miệng khi ăn.

– Thường xuyên đau nhức xương khớp, đau tức vùng hạ sườn phải, lưng nhức mỏi.

– Hay buồn nôn, ói mửa.

– Tiêu chảy, phân loãng đồng thời có màu xanh xám hoặc sẫm màu.

– Da vàng, mắt vàng, nước tiểu cũng có màu vàng sẫm.

– Vùng bụng hay bị đau, chướng và có hiện tượng sưng.

3. Bệnh viêm gan B có lây không?

Bệnh viêm gan B có thể lây nhiễm hay không? Đây là thắc mắc chung của nhiều người. Và câu trả lời là có. Cụ thể nó sẽ lây qua 3 con đường:

Bệnh viêm gan B có hình thức lây nhiễm tương tự HIV/AIDS
Bệnh viêm gan B có hình thức lây nhiễm tương tự HIV/AIDS

Lây từ mẹ sang con (trong giai đoạn thai kỳ và sinh con): 

Tỷ lệ lây nhiễm còn tùy thuộc vào từng giai đoạn người mẹ mắc bệnh. Theo đó, nếu mẹ nhiễm virus HBV trong 3 tháng đầu tiên của kỳ thai thì tỉ lệ lây truyền rất thấp, khoảng 1%. Tỉ lệ sẽ là 10% nếu thời gian nhiễm bệnh của mẹ ở 3 tháng giữa thai kỳ. Nếu mẹ bầu mắc bệnh vào 3 tháng cuối thai kỳ, tỉ lệ nhiễm bệnh cho bé lên đến 70%. Và cao nhất là 90% nếu người mẹ mắc bệnh nhưng không có biện pháp bảo vệ kỹ càng sau sinh. 

Lây qua đường máu:

Bên cạnh cách lây nhiễm từ mẹ sang con, viêm gan B còn truyền qua đường máu. Quá trình tiêm, truyền máu, xăm hình,… không thực hiện các biện pháp khử khuẩn đúng cách. Bên cạnh đó, nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh qua các vết thương hở, hay vị trí trầy xước trên cơ thể cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Không những thế, việc dùng chung dao cạo, bàn chải đánh răng cũng tiềm ẩn khả năng lây virus viêm gan B. 

Lây qua đường tình dục:

Bạn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh viêm gan B rất cao, nếu quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh mà không có những phương pháp phòng tránh.Virus HBV có khả năng truyền nhiễm qua mọi hành vi tình dục ở cả đối tượng đồng giới và khác giới. 

4. Cách phòng tránh viêm gan B hiệu quả

Tiêm phòng viêm gan B được xem là biện pháp phòng tránh bệnh tối ưu nhất. Đến hiện tại, loại bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Do đó, trong trường hợp bệnh đã chuyển dần sang thời kỳ mãn tính, bạn chỉ có thể sử dụng thuốc để phần nào đó kiểm soát được lượng virus HBV trong cơ thể.

Tiêm vắc xin là cách phòng viêm gan B hữu hiệu nhất
Tiêm vắc xin là cách phòng viêm gan B hữu hiệu nhất

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng đưa ra một số cách phòng chống viêm gan B, bạn có thể tham khảo:

– Tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, để đảm bảo bản thân không mắc bệnh. 

– Quan hệ tình dục an toàn, tốt nhất nên sử dụng bao cao su để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

– Để hạn chế tình trạng truyền nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con, các thai phụ cần tiến hành thăm khám định kỳ xuyên suốt giai đoạn thai kỳ.

– Không sử dụng kim tiêm, cũng như các vật dụng cá nhân với người khác.

– Vệ sinh và băng kín các vết trầy xước, vết thương hở trên cơ thể. Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch từ người khác. 

– Tuyệt đối không thực hiện xăm hình, chỉnh sửa răng, châm cứu,… tại các địa điểm không uy tín.

5. Một số câu hỏi liên quan đến bệnh viêm gan B

5.1. Bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, bệnh viêm gan B là một trong những căn bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn cầu. Dựa theo thống kê được công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 2 tỷ người đã mắc bệnh viêm gan B, mỗi năm có đến 1,5 triệu người dân bị nhiễm virus HBV. Một số liệu khác có thể khiến bạn bất ngờ, hằng năm có ít nhất 1 triệu người trên toàn cầu tử vong vì xơ gan và đặc biệt là ung thư gan. 

Từ những con số kể trên, ta thấy được mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan B. Một khi virus HBV xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ tác động lớn đến gan, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của chức năng gan. Do các triệu chứng của căn bệnh này khá mờ nhạt, nên nhiều người không hề biết bản thân mắc bệnh, khi thăm khám thì tình trạng bệnh đã trở nặng. Trong thời gian dài không được theo dõi và điều trị, bệnh viêm gan B có thể nhanh chóng tiến triển thành xơ gan, ung thư gan,… và tồi tệ nhất là gây tử vong. 

5.2. Bệnh viêm gan B có di truyền không?

Khác với một số loại bệnh khác, bệnh viêm gan B được các bác sĩ khẳng định là không có khả năng di truyền. Nguyên nhân khiến nhiều người lầm tưởng viêm gan B di truyền là vì gia đình có ba mẹ mắc bệnh và sau khi thăm khám con cái cũng nhiễm bệnh. Thực tế, có thể trong quá trình sinh hoạt hằng ngày các bé bị lây truyền virus HBV từ ba mẹ thông qua đường máu, hoặc nhiễm bệnh bằng con đường từ mẹ sang con. 

5.3. Bệnh viêm gan B nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Một khi đã nhiễm bệnh, ngoài việc dùng các loại thuốc đặc trị được kê đơn từ bác sĩ để kiểm soát lượng virus viêm gan B. Bạn cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cụ thể nên hạn chế và bổ sung các thực phẩm sau:

Người mắc bệnh viêm gan B cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Người mắc bệnh viêm gan B cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Thực phẩm nên ăn

Theo các chuyên gia, bệnh nhân viêm gan B nên có chế độ ăn uống khoa học, điều này góp phần rất lớn trong việc ổn định sức khỏe cho gan, hạn chế bệnh phát triển theo chiều hướng xấu. Các loại thực phẩm tốt gan được khuyên dùng: Bí đỏ, bột yến mạch, trà xanh, cà rốt, khoai tây,…

Một lưu ý khác, bạn cần chia nhỏ các bữa ăn với mục đích giảm tối đa áp lực tiết mực cho gan. Thêm vào đó, tuyệt đối không để cơ thể bị đói, vì trong thời gian đói gan sẽ sử dụng lượng glycogen dự trữ để tiêu hao cho những hoạt động cần thiết của cơ thể, khiến gan làm việc quá sức. 

Thực phẩm kiêng ăn

Để tốt cho gan, người bệnh cần hạn chế dùng các loại đồ ăn đã được chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp. Vì trong các sản phẩm này có nguy cơ chứa nhiều hóa chất bảo quản, có hại đến gan. Tốt nhất nên nói không với thuốc lá, loại bỏ ngay việc sử dụng bia rượu và các chất kích thích. Vì chúng có thể ngăn chặn quá trình hồi phục của gan, từ đó cản trở đến việc điều trị bệnh. 

Đồng thời, bạn nên tránh các món ăn được chế biến quá mặn, nó sẽ khiến tình trạng bệnh chuyển sang giai đoạn xơ gan nhanh chóng. Ngoài ra, để không làm tổn thương đến hệ tiêu hóa, bệnh nhân cần kiêng ăn các món nướng, chiên, xào, dùng nhiều dầu mỡ. 

5.4. Bệnh viêm gan B có tiêm được vắc xin covid không?

Theo chia sẻ từ TS.Vũ Minh Điền –  Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tư vấn tiêm chủng vaccine từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhóm người mắc bệnh viêm gan B khi tiêm vắc xin sẽ được chia thành những trường hợp:

Bệnh nhân viêm gan B vẫn có thể tiêm vắc xin Covid - 19 và tùy vào thể trạng cơ thể
Bệnh nhân viêm gan B vẫn có thể tiêm vắc xin Covid – 19 và tùy vào thể trạng cơ thể

– Nhóm người không có tình trạng tăng men gan, hoặc không xuất hiện hiện tượng hủy hoại tế bào gan (viêm gan B thể ngủ) vẫn có thể tiêm vắc xin covid – 19. Tuy nhiên, sau khi tiêm, người bệnh cần được nghỉ ngơi, theo dõi những phản ứng sau tiêm, nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào thì nhanh chóng báo cho nhân viên y tế. 

– Nhóm bệnh nhân viêm gan B mạn tính cũng được tiêm vắc xin bình thường, nếu tình trạng bệnh được kiểm soát tốt, và điều trị ổn định. 

– Trong trường hợp, sau ghép gan nếu chức năng của gan hoạt động ổn định bạn vẫn tiến hành tiêm vắc xin được. Chỉ trì hoãn đối với nhóm người đang trong giai đoạn thải ghép cấp. 

Bên cạnh đó, thông tin được cung cấp từ PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc – Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam, những bệnh nhân hiện đang viêm gan cấp với những biểu hiện: Suy gan, mắt vàng, tiểu cầu suy giảm, tăng men gan cần được trì hoãn tiêm vắc xin covid – 19. Chỉ thực hiện tiêm khi đảm bảo viêm gan đã ổn định, sức khỏe tốt. 

Bài viết trên cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan đến bệnh viêm B, hy vọng nội dung trong bài hữu ích với bạn. Bệnh viêm gan B có tính lây truyền cao, vì vậy bạn không được chủ quan, cần có cách phòng ngừa tốt, đồng thời tạo thói quen thăm khám bệnh định kỳ để đảm bảo bản thân không nhiễm virus HBV. Tốt nhất hãy tiến hành tiêm phòng sớm nhất bạn nhé!