Bí ẩn về hệ tiêu hóa ở người, có lẽ bạn chưa biết!

Bạn có biết tổng chiều dài của hệ tiêu hóa ở người có thể lên đến hơn 92m hay động tác nuốt thật ra không hề đơn giản như bạn vẫn nghĩ. Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin thú vị về cấu tạo hệ tiêu hóa để bảo vệ sức khỏe tốt hơn nhé.

Sự thật là nhiều người chỉ bắt đầu chú ý đến cơ thể của mình khi xuất hiện bệnh. Mặc dù đã học được ít nhiều điều về cấu tạo hệ tiêu hóa trong những năm phổ thông nhưng có lẽ bạn sẽ chẳng để tâm nhiều đến nó nếu không có ước mơ làm bác sĩ sau này. Nếu tìm hiểu kỹ về hệ tiêu hóa của mình, bạn sẽ ý thức cách cải thiện hệ tiêu hóa tốt hơn và phòng tránh được nhiều vấn đề liên quan đến tiêu hóa.

1. Hệ tiêu hóa ở người khá dài

Chiều dài của toàn bộ hệ thống tiêu hóa từ miệng đến hậu môn rơi vào khoảng 92m. Hệ thống tiêu hóa chịu trách nhiệm phá vỡ các loại thức ăn để cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.

Hệ tiêu hóa của người khá dài
Hệ tiêu hóa của người khá dài

Thức ăn được phân tách một cách cơ học thông qua hoạt động nhai và các enzyme để chuyển thành dạng phân tử có thể được hấp thụ và di chuyển qua máu. Cấu tạo hệ tiêu hóa ở người bao gồm những cơ quan quen thuộc như:

– Miệng

– Thực quản

– Dạ dày

– Gan

– Túi mật

– Đường mật

– Ruột non

– Ruột già

2. Bạn tiết ra rất nhiều nước bọt

Thông thường sẽ có khoảng 1 lít nước bọt được tiết ra mỗi ngày. Sự sản xuất nước bọt thông qua tuyến nước bọt là bước đầu tiên trong quá trình tiêu hóa. Nước bọt được tạo thành chủ yếu từ nước, nhưng cũng có chứa các chất khác và thường được kích thích tiết ra khi bạn nghĩ đến hoặc ngửi mùi thức ăn.

Quá trình phân tách thực phẩm bắt đầu trong miệng thông qua động tác nhai kết hợp với tác động của các enzyme có trong nước bọt. Nước bọt sẽ làm trơn thức ăn để nó dễ dàng đi vào thực quản, đồng thời tạo thành một màng bọc thức ăn nhằm bảo vệ răng và niêm mạc miệng cũng như thực quản.

Để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, bạn nên ăn chậm nhai kỹ để nước bọt có đủ thời gian thấm đều thức ăn hơn.

3. Nuốt là hoạt động phức tạp

Sẽ phải mất từ 2 – 5 giây để thức ăn đi xuống thực quản và vào dạ dày. Sau khi nhai, thức ăn sẽ chuyển thành dạng viên thức ăn (bolus). Hoạt động nuốt là một quá trình phức tạp, trong đó viên thức ăn sẽ di chuyển vào cuống họng. Cùng lúc đó thì thanh quản được đậy lại và thực quản lại mở rộng ra để nhận lấy viên thức ăn. Các viên thức ăn sau đó sẽ di chuyển xuống thực quản thông qua các chuyển động cơ phối hợp gọi là nhu động ruột.

Ở mỗi đầu thực quản có một cơ vòng có nhiệm vụ mở để các viên thức ăn đi qua. Khi cơ thắt dưới thực quản không đóng hoàn toàn, axit dạ dày sẽ đi ngược trở lên, làm kích thích các mô trong thực quản và cổ họng, gây ra chứng ợ nóng.

4. Dạ dày sản xuất axit hydrochloric

Axit hydrochloric thật ra cũng tương tự như thứ mà thợ xây sử dụng để làm sạch gạch. Nhưng dạ dày được lót bởi một lớp chất nhầy dày để bảo vệ khỏi axit và enzyme pepsin.

Dạ dày sản xuất axit hydrochloric
Dạ dày sản xuất axit hydrochloric

Chuyển động trộn của dạ dày kết hợp với axit và sự phân hủy protein của pepsin sẽ biến viên thức ăn thành một chất lỏng gọi là dịch sữa (chyme) từ từ đi vào ruột non. Quá trình này có thể mất khoảng 2 – 3 giờ.

Chỉ có một vài thứ được hấp thụ vào máu ở cấp độ tiêu hóa ở dạ dày. Điều đáng ngạc nhiên là đây lại là những thứ có thể gây kích ứng dạ dày như rượu, aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).

5. Tuyến tụy và gan cũng rất quan trọng

Vai trò chính của tuyến tụy và gan là sản xuất các chất có công dụng phá vỡ các loại thức ăn. Khi dịch sữa đi vào ruột non, nó sẽ kết hợp với chất dịch mà tuyến tụy và gan tiết ra.

Gan sản xuất mật, được lưu trữ trong túi mật và sau đó được giải phóng vào ruột non để phân hủy chất béo. Còn tuyến tụy thì tiết ra các enzyme vào ruột non để phá vỡ protein, carbohydrate và chất béo. Tuyến tụy cũng tiết ra một chất gọi là bicarbonate có tác dụng trung hòa các axit thoát ra khỏi dạ dày.

6. Nhiều thứ diễn ra trong ruột non

Ruột non là nơi diễn ra hầu hết sự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Trong đó, quá trình phá vỡ thức ăn tiếp tục được thực hiện để phân tách thức ăn thành các thành phần phân tử có thể hấp thụ vào máu.

Mật từ túi mật và các enzyme tiêu hóa từ tuyến tụy được trộn vào dịch sữa trong tá tràng. Sự hấp thu các chất dinh dưỡng được thực hiện nhờ vào những hình trụ nhỏ giống như ngón tay gọi là nhung mao. Bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten) là một dạng rối loạn trong đó việc hấp thu gluten dẫn đến tổn thương cho nhung mao.

7. Chất xơ tốt cho sức khỏe

Chất xơ là những gì còn sót lại sau khi tất cả các phần khác của thức ăn đã được tiêu hóa. Khi ruột non đã hoàn thành việc phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng, nó sẽ đẩy các phần chưa tiêu hóa của thức ăn là chất xơ vào ruột già.

Chất xơ được phân thành hai loại: chất xơ hòa tan – có thể tan được trong nước và chất xơ không hòa tan – không tan được trong nước. Chất xơ có công dụng làm mềm phân và là thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa bạn nhất định phải bổ sung trong thực đơn.

Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Để đảm bảo đủ lượng chất xơ cần thiết, hãy thêm vào thực đơn nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây và rau củ quả.

8. Vi khuẩn hệ tiêu hóa ở người rất phong phú

Hệ tiêu hóa ở người chính là nhà của hơn 500 loài vi khuẩn khác nhau. Lúc mới sinh thì trong hệ tiêu hóa không hề có bất cứ loại vi khuẩn nào. Tuy nhiên, vi khuẩn sẽ dần dần hình thành và lớn mạnh trong khoảng 1 tháng đầu đời.

Đa số lợi khuẩn đường ruột cư trú ở ruột già nhưng chúng cũng có mặt khắp mọi nơi ở đường tiêu hóa với số lượng ít hơn. Khi “hệ sinh thái” vi khuẩn ở trong trạng thái thống nhất và cân bằng, cơ thể bạn sẽ khỏe mạnh và tránh được những bệnh về tiêu hóa.

9. Nước ảnh hưởng tới đặc điểm của phân

Đại tràng còn được gọi là ruột già là một cơ quan dài, rỗng, kéo dài khoảng 1,5m. Ruột già có chức năng nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thu từ ruột non. Ruột già cũng hấp thụ nước và muối khoáng từ thức ăn, kết hợp với sự phân hủy của các vi khuẩn tạo bã thức ăn thành phân.

Nước ảnh hưởng tới đặc điểm của phân
Nước ảnh hưởng tới đặc điểm của phân

Khi đủ lượng phân, đại tràng sẽ co bóp tạo nhu động và bài tiết phân qua trực tràng, phần cuối cùng của đại tràng gần hậu môn. Nước sẽ giữ phân mềm và giúp bạn đi tiêu dễ dàng hơn. Khi bạn không uống đủ nước, nước sẽ bị rút ra khỏi phân trong ruột, khiến cho phân bị cứng và khó thoát ra ngoài.

10. Cơ thể có bộ não thứ hai

Hoạt động của hệ thống tiêu hóa được điều khiển bởi hệ thần kinh ruột non (ENS). Hệ thống này được tạo thành từ một lượng lớn tế bào thần kinh và được điều hòa bởi cùng một chất dẫn truyền thần kinh, trong đó có serotonin được tìm thấy trong não. Sự giống nhau này khiến hệ thần kinh ruột non còn có tên gọi là “bộ não thứ hai”.

Bộ não và hệ thống tiêu hóa có sự phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Điều này có thể là lý do khi cảm thấy lo lắng hay căng thẳng, bạn sẽ có cảm giác cồn cào ở bụng, đói bụng liên tục hay thậm chí là bị tiêu chảy.

Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp bạn tận hưởng được cuộc sống một cách trọn vẹn hơn mỗi ngày. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh với thực đơn gồm những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa để tránh xa bệnh tật, bạn nhé.