Các món ăn ngày Tết ba miền Bắc – Trung – Nam khác nhau thế nào?

Bắc Trung Nam, mỗi vùng miền lại mang đến những hương vị Tết riêng. Mâm cơm ngày Tết chính là câu chuyện kể về văn hóa ẩm thực độc đáo của từng vùng. Cùng khám phá bức tranh ẩm thực đa dạng các món ăn ngày Tết của ba miền Bắc – Trung – Nam nhé!

Bánh chưng, bánh tét, gà luộc,… là các món ăn cho ngày Tết vốn dĩ rất quen mặt. Mâm cơm ngày Tết ở mỗi vùng miền còn được tô điểm bởi những món đặc sản, mang đến một nét khác biệt thú vị.

Các món ăn ngày Tết đặc trưng ở miền Bắc

Thực đơn tết miền Bắc là một bức tranh ẩm thực sống động, hội tụ tinh hoa của nền văn hóa ẩm thực truyền thống. Một số món ăn ngày tết của miền Bắc:

  • Xôi gấc: Món ăn truyền thống làm tăng thêm sắc màu cho mâm cơm. Mỗi hạt gạo đỏ tươi được nhuộm màu bởi thịt gấc, mang theo hương vị ngọt ngào của quê hương và những ước mong tốt đẹp.
  • Thịt đông: Hương vị thơm ngon, mềm tan, hòa quyện với vị béo ngậy của chân giò, bì lợn, mộc nhĩ, nấm hương.
  • Nem rán: Lớp vỏ giòn tan, được chiên vàng ươm. Bên trong là nhân thịt mềm thơm, quyện cùng rau củ và các loại gia vị khác.
  • Canh bóng thả: Món canh này nằm trong “tứ trụ” không thể thiếu trên mâm cỗ. Bao gồm “bóng, vây, măng, miến”. Canh bóng thả là món ăn cổ truyền “độc lạ” miền Bắc có vị thanh tao, khoan khoái, xua tan đi những mệt mỏi của năm cũ.
  • Dưa hành: Món ăn kèm vừa dân dã, lại rất dễ ăn, có chua ngọt, ngon giòn. Ăn chung với bánh chưng, bánh tết vô cùng hợp vị.
  • Canh măng khô hầm móng giò: Mùi thơm đặc trưng của măng khô quyện cùng vị ngọt của xương ống, giò heo, tạo nên một hương vị ấm áp, gợi nhớ về sự sum vầy bên gia đình.
Các món ăn ngày Tết Miền Bắc là kết tinh của truyền thống ẩm thực lâu đời.
Các món ăn ngày Tết Miền Bắc là kết tinh của truyền thống ẩm thực lâu đời.

Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, những nguyên liệu bình dị đã trở thành mâm cơm đều có đầy đủ màu sắc, món nước, khô và đầy đủ dinh dưỡng.   

Đặc sắc với những món ăn ngày Tết miền Nam

Món ngon ngày tết miền Nam vô cùng đa sắc. Sự giao thoa của nhiều nền văn hóa đã góp phần làm nên một bức tranh ẩm thực độc đáo. Dưới đây là các món ăn đặc trưng của ngày Tết ở miền Nam. 

  • Thịt kho trứng: Mùi thơm nồng nàn của thịt kho quyện với vị bùi béo của trứng. Món ăn giản dị, chỉ cần nấu một nồi, yên tâm no đủ trong suốt những ngày Tết.
  • Canh khổ qua nhồi thịt: Người miền Nam ăn khổ qua với hy vọng mọi khó khăn, khổ sở mau chóng qua đi. Đồng thời, cùng nhau đón năm mới suôn sẻ, may mắn.
  • Chả giò: Những đĩa chả giò thơm phức thường được dâng lên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính,  cầu mong mang lại bình an, thịnh vượng cho gia đình.
  • Lạp xưởng: Màu đỏ rực rỡ và hình dáng tựa như một xâu tiền vàng. Người Trung Hoa xem lạp xưởng là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý.
  • Tôm khô củ kiệu: Củ kiệu vốn là đồ chua, dùng kèm với tôm khô. Đặc biệt là tôm đất vị ngọt bùi. Sự tương phản này tạo nên một hương vị độc đáo, khó quên.
Món ngon ngày Tết miền Nam giao thoa của nhiều nền văn hóa.
Món ngon ngày Tết miền Nam giao thoa của nhiều nền văn hóa.

Xem thêm: Gợi ý món ăn ngày Tết miền Nam dễ làm, hấp dẫn

Miền Nam là sự kết hợp hài hòa giữa các món ngon ngày Tết truyền thống. Song, chúng vẫn mang đến những trải nghiệm mới lạ.

Miền trung có các món ăn ngày Tết khác gì hai miền Nam – Bắc?

Miền Trung được mẹ thiên nhiên ưu ái hơn cả. Bởi, nơi đây có sông, núi, biển. Vì lẽ đó, mà kho tàng ẩm thực cũng vô cùng phong phú. Món ăn ngày Tết miền Trung với những món ngon tôn vinh bản sắc văn hóa ẩm thực vùng miền.

  • Nem chua/ Chả lụa: Nem chua, chả lụa được cắt thành từng khoanh, chấm cùng muối tiêu hoặc nước mắm.
  • Thịt heo ngâm nước mắm: Mang ý nghĩa sung túc với hương vị đậm đà thấm sâu vào từng thớ thịt. Một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời khi kết hợp cùng cơm nóng hoặc cuốn bánh tráng kèm rau sống. 
  • Dưa món: Cũng tương tự tôm khô củ kiệu và dưa hành, dưa món ăn kèm với bánh chưng, bánh tét đảm bảo ngon hết ý.
  • Xôi đậu xanh: Hạt xôi nếp dẻo, nóng hổi, màu xanh mát mắt như chính mùa xuân đang về. Hương thơm ngọt bùi của xôi gợi lên những điều tốt đẹp, may mắn.
  • Tré: Mâm cơm Tết miền Trung sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng món tré thơm ngon, đậm đà. Tré thường được làm thành các món ăn nhậu ngày Tết để chiêu đãi khách.
Mâm cơm ngày Tết của người miền trung đơn giản nhưng cũng không hề kém cạnh.
Mâm cơm ngày Tết của người miền trung đơn giản nhưng cũng không hề kém cạnh.

Các món ngon cho ngày Tết nơi đây mang một hương vị rất riêng, thể hiện sự tinh tế và khéo léo của người dân miền Trung.

Mỗi vùng miền tô điểm cho bức tranh các món ăn ngày Tết Việt Nam một màu sắc riêng biệt. Điều quý giá nhất vẫn là giây phút sum họp gia đình. Dù mâm cơm có đầy đủ sơn hào hải vị nhưng thiếu đi tiếng cười, những câu chuyện sẻ chia và hơi ấm tình thân, thì cũng chỉ là một bữa ăn đơn thuần.