Gợi ý các bài tập thở hậu covid – Bạn nên biết
Thời gian gần đây, các chủ đề về “hậu covid” đang được nhiều người quan tâm. Theo đó, hậu covid-19 được hiểu đơn giản là những biến chứng còn để lại sau khi người bệnh đã khỏi. Các triệu chứng này xuất hiện từ nhẹ đến nặng và cả về thể chất lẫn tinh thần, chẳng hạn như: Ho, khó thở, mệt mỏi, trầm cảm, tức ngực,… Chúng có thể kéo dài vài tuần, thậm chí là vài tháng, tác động lớn đến sức khỏe, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người mắc phải.
Được biết, virus covid gây tổn thương nhiều nhất là phổi, do đó phần lớn các đối tượng khi đã hết bệnh đều xuất hiện tình trạng khó thở, tạo tâm lý lo lắng, hoang mang chung cho nhiều người. Để góp phần cải thiện dần vấn đề này, hôm nay Organika Việt Nam sẽ giới thiệu đến độc giả những bài tập thở nhẹ nhàng tại nhà, ai cũng có thể thực hiện được, bạn đừng bỏ qua nhé!
1. Khó thở hậu Covid-19 – Nguyên nhân từ đâu?
Theo lời bác sĩ Đồng Phú Khiêm (bệnh viện nhiệt đới trung ương), thông qua các số liệu về hậu covid, tỷ lệ bệnh nhân xuất hiện di chứng khó thở chiếm từ 10 – 71%, hiện tượng khó chịu ở ngực chiếm 12 – 44%, tình trạng ho khan chiếm 17 – 34%. Các biểu hiện này đều xảy ra khi người bệnh đã khỏi, và chúng kéo dài từ 2 đến 3 tháng đôi khi là lâu hơn.
Phần lớn, biểu hiện khó thở và ho xuất hiện khi người bệnh vận động mạnh, leo cầu thang, làm việc quá sức,… Theo các chuyên gia, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những bất thường ở hệ hô hấp là vì phổi bị tổn hại nghiêm trọng sau khi nhiễm covid-19, phổ biến là viêm phổi, xơ phổi, kín mờ, khí phế thủng,… Trong đó, các đối tượng từng có tiền sử viêm phổi ở mức độ nặng, dùng đến máy thở, can thiệp điều trị ECMO,… thì tình trạng khó thở và ho sau đó sẽ kéo dài hơn ở nhóm bình thường.
2. Các triệu chứng khó thở sau khi khỏi Covid-19
Ghi nhận ở nhóm người bệnh đã cho kết quả âm tính với covid-19, các triệu chứng khó thở được mô tả chi tiết như sau:
– Cơ thể thường xuyên có cảm giác không nhận đủ lượng không khí cần thiết để thở.
– Xuất hiện tình trạng chóng mặt, kèm theo đó là hụt hơi dẫn đến khó thở.
– Bệnh nhân có cảm giác phần bên trên cơ thể trở nên nặng nề, để thở được dễ dàng hơn phải xoa lồng ngực.
– Làm việc hay bị tốn sức, phải dừng lại để hít thở đều.
Nếu người bệnh không có biện pháp can thiệp kịp thời, thì tình trạng khó thở hậu covid có thể sẽ diễn biến phức tạp và gây ra những hệ lụy cho sức khỏe. Bên dưới là những dấu hiệu liên quan đến việc khó thở cho thấy bệnh nhân mắc covid đã khỏi cần thăm khám bác sĩ ngay:
– Thở khò khè, quá trình thở vào khó khăn, thường xuyên hụt hơi khi nói chuyện, khi ăn uống có cảm giác nghẹt thở.
– Cảm thấy đau tức ngực, ngồi sẽ khó thở khi đứng hơi thở ổn định hơn, các cơn khó thở xuất hiện nhiều về đêm, đặc biệt là thời điểm đi ngủ.
– Không chỉ khi vận động mạnh mà kể cả sinh hoạt bình thường người bệnh cũng khó thở, cổ họng có hiện tượng căng cứng, ho nhiều hơn và khi nuốt nước bọt thấy đau.
– Đặc biệt: Nếu thấy người bệnh xuất hiện những cơn đau tức ngực dữ dội, lan sang các vị trí khác như cánh tay, lưng, cổ,… và đôi khi là nhói tim, thì phải đưa họ đến bệnh viện để cấp cứu, vì lúc này tình trạng khó thở đã phát triển đến mức độ nặng.
3. Cần làm gì để cải thiện tình trạng khó thở hậu covid-19?
Việc xuất hiện tình trạng khó thở, đột ngột không hít thở được khiến người bị rơi vào trạng thái bất an, căng thẳng. Điều này càng làm cho bệnh tình ngày một tồi tệ hơn. Do đó, để cải thiện hiệu quả tình hình, bạn có thể thử qua biện pháp sau đây:
– Điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, chọn tư thế ngồi thoải mái, tập hít thở thật sâu rồi thở ra một cách nhẹ nhàng, chậm rãi và thở mím môi.
– Có thể hít thở bằng hơi nước nóng, thực hiện xịt thông mũi để giúp đường thở được thông thoáng, dễ chịu hơn hẳn.
– Uống trà gừng cũng là một trong những cách được đông đảo người áp dụng để loại bỏ tình trạng khó thở. Bạn chỉ cần đun nước sôi, cho một vài lát gừng vào, chờ 10 đến 15 phút là có thể dùng, để tăng hương vị và dễ uống nên cho thêm mật ong hoặc chanh.
– Hạn chế hoạt động liên tục trong thời gian dài, không làm việc gắng sức, tránh các động tác khom lưng, gập người, khiêng vác vật nặng, có khung giờ nghỉ ngơi hợp lý.
– Mỗi ngày, người bệnh có thể tập đi bộ từ từ, chậm rãi từng bước trong phạm vi gần, trong lúc đi không quên hít thở sâu, đều. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể thực hiện ngồi thiền, đây cũng là phương pháp giúp lấy lại nhịp thở ổn định.
4. Tổng hợp các bài tập cải thiện triệu chứng khó thở hậu Covid-19
Dựa vào tình hình các bệnh nhân gặp chứng khó thở hậu covid ngày càng tăng, các chuyên gia đã khuyên người bệnh thực hiện các bài tập thở tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần áp dụng đều đặn và tập đúng động tác thì mới mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Sau đây, Organika Việt Nam sẽ tổng hợp giúp bạn một số bài tập thở quan trọng, trích trong sổ tay “Phục hồi sau covid-19” đến từ bộ môn kỹ thuật phục hồi chức năng của Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh:
Bài 1: Thở bụng
– Chọn tư thế ngồi hoặc nằm đều được, tiến hành đặt 1 tay lên vị trí ngực, tay còn lại để ở phần bụng.
– Từ từ hít hơi vào bằng mũi, ép dần xuống bụng (quan sát sẽ thấy bụng phình lên, tay để ở bụng dần đi lên).
– Để yên trạng thái hít vào trong khoảng 3 đến 4 giây.
– Sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng miệng, chúm môi (tương tự như khi huýt sáo) lúc này bụng cũng dần xẹp xuống.
– Lưu ý, bạn nên hít vào từ 1 đến 2 dịp, nhưng thở ra cần 4 nhịp (gấp đôi lúc hít vào). Thời gian đầu thực hiện, bạn không cần gắng quá sức, mỗi ngày áp dụng tối thiểu 3 lần, giành khoảng 10 đến 15 phút để luyện tập.
Bài 2: Thở phối hợp tay
– Tương tự bài tập trên, bạn có thể lựa chọn tư thế nằm hoặc ngồi, đưa 2 tay hướng lên trên.
– Hít thật sâu vào, cố gắng giữ hơi thở từ 3 đến 5 giây (lưu ý tập trong lúc không bị khó thở).
– Sau đó nhẹ nhàng đưa tay xuống, kết hợp thở ra bằng miệng như bài tập 1. Vì cơ thể đang yếu sau covid, do đó bạn không cần tập thở trong nhiều giờ, ban đầu hãy làm quen mỗi ngày 3 lần, từ 10 đến 15 phút.
Bài 3: Tập mạnh cơ hoành
– Bạn có thể chuẩn bị 1 quyển sách mỏng hoặc bất kỳ vật gì có khối lượng từ 0,5 đến 1kg (nên chọn vật nhỏ gọn, thuận tiện cho việc luyện tập), để ở bụng.
– Với bài tập này thực hiện với tư thế nằm, đầu tiên, bạn hít vào bằng mũi, miệng ngậm chặt, đồng thời bụng phồng lên, cố gắng giữ hơi thở trong 3 đến 4 giây.
– Tiếp đến, thở ra bằng miệng, bụng dần xẹp xuống.
– Lặp lại động tác hít vào thở ra trong khoảng 10 đến 15 phút rồi nghỉ ngơi, và thực hiện lại 2 đến 3 lần.
Bài 4: Tập mạnh cơ hô hấp
– Bài tập này khá đặc biệt, thông thường sẽ tập mạnh cơ hít vào với dụng cụ chuyên biệt. Tuy nhiên, trên thị trường dụng cụ này hiện có giá thành khá cao và không được phổ biến. Do đó, để tiết kiệm và thuận tiện nhất, bạn có thể thay thế bằng bình nước.
– Luyện tập ở tư thế đứng, khác với những bài tập trên, bước đầu tiên bạn chúm môi, thở ra bằng miệng với hơi mạnh (phần bụng xẹp xuống).
– Tiếp đến là thao tác hít vào, bạn tiến hành đặt bình nước ở miệng đồng thời hít thật sâu vào (phần bụng phồng lên).
– Sau đó, cần thả lỏng cơ thể, rồi từ từ thở ra. Nghỉ ngơi với 1 đến 2 hơi hít thở sâu rồi tiếp tục lặp lại bài tập.
Bài viết trên nhằm chia sẻ cho độc giả những bài tập thở đơn giản giúp cải thiện hiệu quả tình trạng khó thở hậu covid. Hy vọng thông tin trong bài hữu ích với bạn. Bên cạnh việc tập thở, để nhanh chóng lấy lại sức khỏe bình thường người bệnh cần xây dựng cho mình chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung nhiều rau xanh và nước. Trong trường hợp, bạn đã thử qua nhiều cách, nhưng tình trạng khó thở vẫn “đâu lại vào đấy”, hoặc trở nặng bạn cần linh hoạt tìm đến bác sĩ, để được thăm khám, đánh giá tình hình sức khỏe, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết, nếu bạn vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan sức khỏe hậu covid, hãy liên hệ với chúng tôi qua website organikavietnam.com. Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!