Mạng xã hội và những ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe

Sự phổ biến của mạng xã hội giúp bạn dễ dàng truy cập và chia sẻ thông tin y tế, sức khỏe, dược phẩm, thực phẩm, bệnh viện, phòng khám… Tuy nhiên, cách chăm sóc sức khỏe của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu nghe theo những nguồn tin chưa được kiểm chứng.

Mạng xã hội cho phép bạn tiếp cận với rất nhiều cách tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn hay bỏ thói quen xấu hiệu quả. Tuy nhiên, những thông tin sức khỏe trên đôi khi cũng sai lệch và không đáng tin. Để có cách chăm sóc sức khỏe lành mạnh, bạn cần chủ động điều chỉnh thói quen dùng mạng xã hội để tiếp cận kiến thức và thông tin y tế một cách tích cực.

Ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội

1. Bạn có cảm hứng sống lành mạnh hơn

Khi truy cập và cập nhật mạng xã hội, bạn sẽ thường thấy nhiều chia sẻ về các món ăn lành mạnh như hoa quả tươi, rau xanh, thịt nạc… Điều này sẽ tạo cảm hứng để bạn lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe trong bữa ăn của mình. Bạn cũng có thể thấy được hình ảnh bạn bè hay người thân của mình cải thiện vóc dáng và sức khỏe khi chạy bộ, đá bóng, chơi cầu lông… Nhờ đó, bạn cũng sẽ tích cực tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe.

Mạng xã hội giúp bạn có cuộc sống tích cực hơn
anh-huong-tieu-cuc-cua-mang-xa-hoi-voi-suc-khoe-1

Không chỉ xem thông tin hay hình ảnh của mọi người, bạn cũng sẽ có nhu cầu đăng hình ảnh của chính mình. Nhờ đó, bạn sẽ nỗ lực làm cuộc sống của mình đa dạng, lành mạnh hơn như nấu các món ăn ngon, chơi thể thao và làm đẹp để có thể chia sẻ những hình ảnh đẹp và tích cực lên trang cá nhân.

2. Bạn dễ dàng tiếp cận thông tin sức khỏe

Bạn có thể cập nhật nhiều thông tin sức khỏe và thuốc chữa bệnh dưới dạng bài viết, ảnh, video, livestream miễn phí trên mạng xã hội. Nhiều người dùng Facebook cũng có kiến thức chuyên môn về y khoa và sức khỏe tốt cũng chia sẻ nhiều thông tin bổ ích và thực tế qua mạng xã hội. Bạn cũng có thể biết đến thông tin về dịch bệnh, thay đổi trong thể chế khám chữa bệnh hay cập nhật thông tin sức khỏe thường thức qua các kênh thông tin sức khỏe uy tín.

3. Bạn có nơi thảo luận và được hỗ trợ

Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng vẫn là một phương tiện để bạn hỏi han và tìm hiểu về vấn đề sức khỏe của bản thân khi gặp khó khăn trong việc trao đổi ở thế giới thật do e ngại hoặc sợ hãi. Bạn có thể tham gia các hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội để chia sẻ tình trạng sức khỏe và tâm lý cũng như tìm kiếm lời khuyên mà vẫn hoàn toàn ẩn danh.

Bạn có thể cần các hội, nhóm trên mạng xã hội khi băn khoăn về việc mang thai và sinh con hoặc đang mắc các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, xương khớp… Đây là nơi mà bạn có thể học hỏi kinh nghiệm khám chữa bệnh, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, dưỡng thai hay nuôi dạy con.

Bệnh nhân và người nhà khi tham gia hội nhóm trên mạng xã hội có thể tìm được người cùng cảnh ngộ với mình để bớt cô độc cũng như cùng vượt qua khó khăn, đau đớn và sợ hãi.

Bạn cũng có thể tham gia nhiều cộng đồng mạng để chung tay giúp những người bệnh có cuộc sống khó khăn hay những em bé mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội chữa bệnh trong và ngoài nước.

Ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội

Bên cạnh những cảm hứng và hỗ trợ bạn nhận được từ cộng đồng mạng, bạn cũng cần cẩn thận để tránh những ảnh hưởng tiêu cực sau đây khi tìm cách chăm sóc sức khỏe.

1. Bạn có thể kỳ vọng không thực tế

Những hình ảnh trên mạng xã hội thường hoàn hảo tới mức không thực tế. Bạn có thể thấy những bữa ăn ngon nhìn vô cùng nhanh gọn hay những động tác thể dục có vẻ dễ dàng thực tế lại không phải như vậy.

Khi thử nấu ăn lành mạnh, bạn có thể thấy quy trình chọn thực phẩm và chế biến vô cùng phức tạp. Bên cạnh đó, những động tác yoga người khác làm được thực ra lại rất khó khăn với bạn. Những điều này có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng, nghi ngờ và dần từ bỏ cách chăm sóc sức khỏe lý tưởng trên mạng.

Bên cạnh những khó khăn trong việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, những lời khuyên trên mạng xã hội cũng khiến bạn dễ bị chứng rối loạn ăn uống do kén ăn hoặc ăn uống vô độ.

2. Bạn dễ gặp phải thông tin sai lệch

Việc tham gia hoặc theo dõi những hội, nhóm không lành mạnh cũng dễ khiến bạn bị khủng hoảng tâm lý và niềm tin trầm trọng, từ đó bị ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều phong trào chăm sóc sức khỏe đang ảnh hưởng tiêu cực tới rất nhiều người như chống tiêm vắc xin, dùng thực dưỡng thái quá, chữa bệnh một cách mê tín, bán thuốc không rõ xuất xứ…

Với thông tin tràn lên trên mạng xã hội, bạn rất dễ bị tiếp nhận thông tin sai lệch
Với thông tin tràn lên trên mạng xã hội, bạn rất dễ bị tiếp nhận thông tin sai lệch

Nếu không may tin vào những xu hướng sai lầm trên, cách chăm sóc sức khỏe của bạn và người thân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Bạn có thể chậm trễ trong việc khám chữa bệnh, tự ý uống thuốc sai cách hay thực hành những điều không tốt cho sức khỏe.

3. Bạn dễ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo

Không phải ai chia sẻ thông tin sức khỏe trên mạng xã hội cũng có đủ kiến thức chuyên sâu, đặc biệt là khi mạng xã hội cho phép bạn ẩn danh khi chia sẻ thông tin. Nhiều người đã lợi dụng sự quan tâm tới sức khỏe để chia sẻ những câu chuyện, bài thuốc hay tin tức sai lệch để được nhiều lượt theo dõi, chia sẻ, like trên mạng xã hội nhằm quảng cáo bán hàng kiếm lợi.

Ở các nước khác, khi bạn muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc cần kê đơn thì đều phải có đơn thuốc của bác sĩ mới mua được. Nhưng ở Việt Nam quy tắc này còn khá lỏng lẻo và những người bán thuốc hay thực phẩm chức năng lợi dụng điều này để trục lợi. Họ trà trộn vào các hội nhóm để quảng cáo, tư vấn, lôi kéo và thậm chí lừa bệnh nhân mua thuốc hay sản phẩm không rõ xuất xứ để chữa bệnh phụ khoa, da liễu, bệnh ung thư…

Bạn nên cẩn thận với những người quảng cáo thường không có kiến thức về sức khỏe và chỉ tìm cách bán hàng kiếm lời khi lợi dụng tâm lý lo lắng của người bệnh.

Cách giảm ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội

Cách chăm sóc sức khỏe có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của mỗi người và là chìa khóa để có sức khỏe tốt. Trong thời đại mạng xã hội phát triển, bạn cần thật thận trọng, tỉnh táo để tiếp cận những cách chăm sóc sức khỏe khoa học, lành mạnh và tránh xa những thông tin tiêu cực theo các gợi ý sau đây.

1. Chọn lọc thông tin trên mạng xã hội

Mạng xã hội cho phép bạn lựa chọn theo dõi thông tin từ ai, từ đâu nên ngay từ đầu bạn hãy lựa chọn những nguồn thông tin mình tin tưởng để theo dõi. Nguồn này có thể là những người có lối sống tích cực và lành mạnh cũng như những người có kiến thức hay chuyên môn về sức khỏe. Tương tự, bạn chỉ nên tham gia các nhóm mà bạn biết rõ thông tin lành mạnh.

Ngay khi phát hiện cá nhân, trang hay nhóm có xu hướng chia sẻ thông tin sai lệch gây ảnh hưởng cách chăm sóc sức khỏe, bạn hãy ngừng theo dõi để không bị ảnh hưởng tiêu cực.

2. Không chia sẻ thông tin bạn không hiểu rõ

Đa số mọi người vào mạng xã hội để giải trí nên không có nhiều thời gian và thường không nghiêm túc nên có tâm lý chia sẻ một bài báo để lưu bài đọc sau. Đây là thói quen xấu và tạo điều kiện cho những tin giả, thông tin sai lệch có cơ hội phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội. Nếu bạn chỉ muốn chia sẻ để lưu bài, hãy để chế độ “cá nhân” hay private nghĩa là chỉ bạn đọc được để tránh làm người khác hoang mang và hiểu sai.

3. Hỏi ý kiến bác sĩ trước áp dụng thông tin

Một thông tin có nhiều người like hay share không có nghĩa là cách chăm sóc sức khỏe đó đúng và phù hợp với bạn. Cách chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là cách điều trị bệnh cần được khám lâm sàng thực tế nên bạn không thể tham khảo ý kiến bác sĩ Google và tin theo những người đã khỏi bệnh để tự ý dùng thuốc. Quá trình điều trị và sau điều trị cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ và nhân viên y tế.

4. Thận trọng khi tham gia nhóm bệnh nhân ung thư

Bệnh nhân ung thư rất cần cộng đồng để cùng vượt qua đau đớn và chữa trị bệnh. Tuy nhiên, nhiều hội nhóm của bệnh nhân ung thư là nơi bán thực phẩm chức năng và quảng bá cách chữa ung thư rất sai lệch khiến nhiều người mất đi thời điểm vàng điều trị ung thư.

Bệnh nhân và người nhà chỉ nên tham gia các nhóm được các bác sĩ trả lời, tư vấn, điều hành như nhóm “Hỗ trợ bệnh nhân ung thư” hoặc nhóm “Hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú”.

Bạn hãy thận trọng khi đưa ra quyết định điều trị ung thư và không tin bất kỳ thông tin hay lời tư vấn trên mạng xã hội để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Mạng xã hội có thể là nguồn cảm hứng và động lực giúp bạn sống lành mạnh hơn nhưng cũng đầy những thông tin sai lệch về các cách chăm sóc sức khỏe. Bạn cần tỉnh táo và chọn lọc thông tin cẩn thận trước khi tin bất kỳ thông tin hay lời tư vấn nào trên mạng xã hội nhé.