Những điều cần biết về bệnh mỡ máu cao 

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn lipid máu, tăng Cholesterol có hại và giảm Cholesterol có lợi của cơ thể. Bệnh thường phổ biến ở tuổi trung niên do thói quen ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh. Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm thì mỡ máu cao cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

1. Mỡ máu cao là gì? 

Mỡ máu cao hay còn gọi máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol máu. Bệnh thường phổ biến ở tuổi trung niên và đang có xu hướng trẻ hóa. Đặc trưng của mỡ máu cao là hiện tượng tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, cao huyết áp, xơ vữa động mạch….

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn mỡ máu hay tăng cholesterol máu.
Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn mỡ máu hay tăng cholesterol máu.

Người bệnh sẽ được làm xét nghiệm chẩn đoán mỡ máu cao khi các chỉ số mỡ máu vượt ngưỡng an toàn như sau: 

Cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L.

LDL – cholesterol > 4,1 mmol/L.

– Triglyceride > 2,3 mmol/L.

– HDL – cholesterol <1 mmol/L.

2. Dấu hiệu của người bị mỡ máu cao

Nguyên nhân khiến bệnh mỡ máu cao trở nên đáng lo ngại là do các triệu chứng thường diễn biến âm thầm, người bệnh có ít hoặc đôi khi không có bất cứ triệu chứng nào. Thế nhưng, khi đã bắt đầu có những dấu hiệu chứng tỏ là đã chuyển sang giai đoạn biến chứng, việc xét nghiệm và điều trị cần được thực hiện càng sớm càng tốt. 

2.1. Xuất hiện những cơn đau thắt ngực không thường xuyên

Đặc điểm của những cơn đau này là thường xuất hiện trong thời gian ngắn và không thường xuyên, chưa được điều trị cũng tự mất đi nhưng dễ tái phát bất cứ lúc nào. Một số trường hợp còn có cảm giác bị đè nặng ở vùng ngực, giống như bị bóp nghẹt mỗi lần từ vài phút đến vài chục phút. 

Khi nghỉ ngơi, những cơn đau thắt ngực sẽ thuyên giảm. Ngược lại, nếu làm việc quá sức cơn đau sẽ gia tăng. Thậm chí còn lan ra các cơ quan khác như hai bên cánh tay, đau lên cổ, hàm, đau vùng dạ dày hoặc hướng ra phía sau lưng. 

Những cơn đau thắt ngực không thường xuyên là một dấu hiệu cảnh báo mỡ máu cao
Những cơn đau thắt ngực không thường xuyên là một dấu hiệu cảnh báo mỡ máu cao

2.2. Ban vàng dưới da hoặc các nốt phồng to 

Bên cạnh cơn đau thắt ngực, người bị mỡ máu cao sẽ xuất hiện ban vàng hoặc các nốt phồng to ở những vị trí gồm khuỷu tay, ngực, lưng, gót chân, bắp đùi… Đặc trưng của chúng là xuất hiện ngày càng nhiều nhưng không gây đau ngứa khi chạm vào. 

Ngoài ra, căn bệnh này còn gây ra những triệu chứng bất thường về sức khỏe như: Buồn nôn, đau đầu, bứt rứt trong người, hoa mắt chóng mắt, cơ thể phì mập hay thở ngắn, thường xuyên mệt mỏi, sức lao động giảm…

Những dấu hiệu trên chính là lời cảnh báo bệnh mỡ máu cao có thể xảy ra biến chứng bất cứ lúc nào, cần xét nghiệm chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. 

3. Mỡ máu cao gây ra biến chứng gì?

Thông thường, các triệu chứng ban đầu của mỡ máu cao sẽ rất mơ hồ và cũng chưa ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài LDL – Cholesterol dư thừa sẽ bám vào thành động mạch, dẫn đến hình thành các mảng bám dày, thu hẹp lòng mạch và làm giảm lưu lượng máu đến tim, não, tay chân… Theo đó, các mảng bám cũng có thể vỡ ra, hình thành cục máu đông, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn:

– Bệnh tim mạch vành: Khi các mảng bám tích tụ trong động mạch làm giảm lưu lượng máu tới tim. Sau đó sẽ dẫn tới các cơn đau thắt ngực hoặc đau tim. Theo thời gian, tim của người bệnh sẽ suy yếu dần và dẫn đến suy tim nếu không được điều trị kịp thời. 

– Đau tim: Khi các mảng bám bị vỡ ra sẽ hình thành cục máu đông trong các động mạch có thể khiến tim không nhận đủ oxy, gây ra các cơn đau tim. 

– Đột quỵ: Cũng giống như những cơn đau tim, tình trạng đột quỵ xảy ra khi não thiếu oxy. Trường hợp này xảy ra do mảng bám tích tụ từ LDL – Cholesterol dư thừa bị vỡ ra, hình thành cục máu đông, ngăn chặn động mạch cấp oxy cho não. Nếu không được cung cấp oxy các tế bào não sẽ chết đi, kéo theo các triệu chứng nguy hiểm như: Suy nhược cơ thể đột ngột, tê liệt, gặp khó khăn khi nhìn hoặc nói chuyện…

– LDL – Cholesterol tăng cao dẫn đến bệnh tiểu đường và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

– LDL – Cholesterol cao gây tăng huyết áp, dẫn tới đột quỵ. 

– Tăng mỡ máu có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, suy giảm chức năng gan và ung thư gan. 

Đau tim và đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm của mỡ máu cao
Đau tim và đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm của mỡ máu cao

4. Phương pháp điều trị mỡ máu cao

Bệnh máu nhiễm mỡ nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ngăn chặn được những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những cách điều trị mỡ nhiễm mỡ mà người bệnh nên biết:

4.1. Điều trị mỡ máu cao bằng thuốc

Sử dụng thuốc là cách phổ biến và hiệu quả nhất đối với người bị máu nhiễm mỡ. Dưới đây là các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định cho người bệnh để giảm mức cholesterol trong máu gồm: 

– Statins: Có tác dụng làm giảm LDL – Cholesterol, giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Với loại thuốc này người bệnh nên bắt đầu với liều thấp. Liều lượng thuốc có thể thay đổi nếu không đạt hiệu quả điều trị sau 4 – 6 tuần. 

– Niacin: Chủ yếu làm giảm LDL – Cholesterol, Triglyceride và tăng HDL – Cholesterol. 

– Nhựa gắn acid mật: Giảm LDL – Cholesterol.

Đối với những người bị mỡ máu cao lại mắc thêm các bệnh khác thì cần lưu ý khi những vấn đề sau trong quá trình điều trị: 

– Chữa bệnh mỡ máu cao ở người bị tiểu đường: Trong trường hợp này giải pháp ưu tiên hàng đầu là thay đổi lối sống, kết hợp với Statin làm giảm LDL – Cholesterol và Fibrate làm giảm Triglyceride. Với người bị tiểu đường 40 tuổi có thể dùng thuốc Statin khi các thành phần Lipid máu bình thường. Cùng với đó thuốc Metformin làm giảm Triglyceride cũng là lựa chọn tốt hơn nhiều loại thuốc ở người bệnh tiểu đường. Người có nồng độ Triglyceride rất cao và đường máu khó kiểm soát nên điều trị bằng Insulin để kiểm soát đường máu tốt hơn so với các loại thuốc dùng đường ống. 

– Bệnh nhân suy thận hoặc mắc bệnh gan mật mãn tính khi điều trị máu nhiễm mỡ cần phối hợp trị bệnh gốc và rối loạn mỡ máu. 

– Bệnh nhân suy tuyến giáp thì cần sử dụng hormone giáp trạng. 

Khi tình trạng bệnh đã có những dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt, người bệnh cần giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc hạ Lipid máu. Một lưu ý mà người bệnh nên nằm lòng là các loại thuốc trên đều có một số tác dụng phụ và tương tác thuốc. Vậy nên, cần phải thận trọng khi dùng và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Đau tim và đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm của mỡ máu cao
Người bị mỡ máu cao cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

4.2. Duy trì lối sống khoa học 

Có thể nói, nguyên nhân tăng cholesterol trong máu là do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Do đó, để quá trình điều trị bệnh mang lại hiệu quả cao bên cạnh việc dùng thuốc thì người bệnh cũng cần xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý. Cụ thể là: 

– Tránh thức ăn chứa nhiều chất béo và cholesterol như: Bơ, thịt lợn mỡ xông khói nên thay mỡ động vật bằng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu oliu). 

– Chỉ nên tiêu thụ các loại thịt, cá từ 150 – 200g/ngày, không ăn quá 3 quả trứng trong tuần và nên ăn cách ngày. 

– Hạn chế ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, da của các loại gia cầm thay bằng đạm thực vật như đậu tương. 

– Uống sữa đã tách bơ, hạn chế ăn kem, phô mai,…

– Không uống bia rượu, không hút thuốc lá để ngăn chặn quá trình xơ vữa động mạch và làm tăng mỡ máu. 

– Tích cực bổ sung rau và các loại trái cây vào chế độ ăn uống như: Cam, bưởi, táo, nho… 

Như đã nêu trên, máu nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh này bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Đồng thời, nên đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra các chỉ số mỡ máu và có liệu pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, cũng như luyện tập thể dục thường xuyên để rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Đặc biệt, là không nên tự mua sử dụng thuốc điều trị máu nhiễm mỡ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ hoặc người có chuyên môn.