Viêm đại tràng là gì? Viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng là một bệnh lý về tiêu hóa rất đáng lo ngại với tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng cao và gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị bệnh là rất cần thiết để chủ động phòng ngừa căn bệnh này.
1. Viêm đại tràng là gì?
Cuộc sống hiện đại kéo theo hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, trong đó có viêm đại tràng. Như chúng ta đã biết, viêm đại tràng là một bệnh lý về tiêu hóa rất phổ biến hiện nay với nhiều biểu hiện hết sức phức tạp. Khi bị viêm đại tràng người bệnh sẽ cảm thấy đau tức vùng bụng dưới như có một vật nào đó đè lên, đại tiện bất thường, phân không thành khuôn, kèm theo là triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, sôi bụng.
Bệnh được chia thành viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mãn tính. Với viêm đại tràng mãn tính sẽ “gắn bó” với người bệnh suốt đời do vẫn chưa có cách điều trị nên chỉ áp dụng các phương pháp giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
2. Viêm đại tràng nguyên nhân do đâu?
Viêm đại tràng gây không ít khó khăn trong sinh hoạt và công việc người bệnh. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh là rất cần thiết để chủ động phòng ngừa căn bệnh này.
2. 1. Viêm đại tràng cấp tính
Theo khuyến cáo của bác sĩ có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng cấp tính nhưng chủ yếu là do ngộ độc thức ăn, dị ứng thức ăn. Theo đó, việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, ăn uống những vi sinh vật gây bệnh cũng là yếu tố dẫn đến viêm đại tràng.
Ngoài ra, viêm đại tràng cũng có thể do tự miễn hoặc bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày như: Căng thẳng, táo bón kéo dài, khó tiêu, dùng thuốc kháng sinh….
2. 2. Viêm đại tràng mãn tính
Nguyên nhân gây ra viêm đại trực tràng mãn tính được chia làm 2 trường hợp:
– Viêm đại tràng mãn tính có nguyên nhân: Sau khi bị viêm đại tràng cấp tính do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm và nhiễm độc nhưng không được điều trị kịp thời dẫn đến viêm đại tràng mãn tính.
– Bệnh viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân: Là tình trạng viêm đại tràng mãn tính không đặc hiệu.
3. Triệu chứng của viêm đại tràng
Người bị viêm đại tràng cấp tính và mãn tính thường xuất hiện các dấu hiệu sau đây:
3.1. Triệu chứng viêm đại tràng cấp tính
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng chẳng hạn:
– Viêm đại tràng cấp tính do ly amip: Đau bụng quặn từng cơn, đi đại tiện liên tục nhưng ít phân, có máu và chất nhầy kèm theo phân.
– Viêm đại tràng cấp do lỵ trực khuẩn: Người bệnh sẽ biểu hiện sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng có máu. Thậm chí, trong một ngày đi nhiều lần phân lẫn máu, phân có màu như máu cá. Tuy nhiên, nếu đi đại tiện quá nhiều lần trong ngày sẽ khiến cơ thể mất nước và chất điện giải nhiều rất dễ gây trụy tim mạch.
– Viêm đại tràng cấp do các nguyên nhân khác: Người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng là chủ yếu. Điền hình là đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn hoặc đau theo khung đại tràng, đau co thắt đại tràng. Đôi khi còn gây cứng bụng, tiêu chảy đột ngột, phân toàn nước (có thể xuất hiện máu và nhầy), người mệt mỏi và cân nặng sa sút.
3.2. Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính
Người bị viêm đại tràng mãn tính thường có những biểu hiện sau:
– Đau bụng từng cơn, buồn đại tiện, đi tiêu từ 3 – 4 lần trong ngày, thường vào buổi sáng lúc ngủ dậy và sau khi ăn xong.
– Phân lần đầu có thể đặc nhưng không thành khuôn, những lần tiếp theo thì phân lỏng, nhầy nhưng hầu hết đều là phân nát hay phân sống.
– Trước mỗi lần đi tiêu sẽ đau bụng, thường đau dọc khung đại tràng ở hố chậu bên trái hoặc bên phải, sau khi đi tiêu được thì hết đau bụng và dễ chịu.
– Người bệnh bị táo bón, phân khô, ít và cứng, kèm theo triệu chứng đau bụng, những biểu hiện này thường gặp ở người lớn tuổi và nữ giới.
– Tình trạng táo bón và tiêu lỏng xen kẽ nhau từng đợt dai dẳng trong nhiều năm nhưng thể trạng người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, bụng thường đầy hơi.
4. Đối tượng thường mắc bệnh viêm đại tràng
– Viêm đại tràng thường phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi.
– Người thường xuyên căng thẳng, lo âu, táo bón kéo dài.
– Người dùng thuốc kháng sinh thường xuyên, đang nằm viện, đang thực hiện hóa trị, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch..
– Người có chế độ ăn uống không và môi trường sống không đảm bảo vệ sinh.
5. Cách chẩn đoán viêm đại tràng
– Chẩn đoán viêm đại tràng cấp: Cần tiến hành lấy phân để soi tươi, nuôi cấy, phân lập xác định vi khuẩn. Ngoài ra, cũng có thể soi đại tràng Sigma và trực tràng khi cần thiết.
– Chẩn đoán viêm đại tràng mãn tính: Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh cần tiến hành nội soi và sinh thiết đại tràng. Trường hợp viêm đại tràng mãn tính nghi do nhiễm khuẩn cần phải xét nghiệm phân hoặc mảnh sinh thiết để tìm rõ nguyên nhân gây bệnh.
6. Các phương pháp điều trị viêm đại tràng
Tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là những phương pháp chữa viêm đại tràng thường được áp dụng như:
6.1. Điều trị nội khoa
Các loại thuốc điều trị nội khoa cho người viêm đại tràng bao gồm:
– Thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, thuốc chống ký sinh trùng, thuốc kháng nấm và thuốc kháng lao.
– Thuốc giảm đau và chống co thắt, thuốc điều trị tiêu chảy, chống loạn khuẩn.
– Bổ sung nước và chất điện giải là hết sức cần thiết để ngăn ngừa vấn đề trụy tim mạch.
6.2. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa của bệnh viêm đại tràng được tiến hành như sau:
– Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng nếu bệnh cứ dai dẳng và có những tiến triển nặng. Tuy nhiên, việc cắt bỏ sẽ ảnh hưởng đến chức năng của ruột và tâm lý người bệnh.
– Một số trường cũng cần can thiệp ngoại khoa như: Polyp đại tràng, ung thư đại tràng…
6.3. Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Môt chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học sẽ góp sức không nhỏ khi chữa bệnh đại tràng, do đó người bệnh cần:
– Khi bị táo bón nên hạn chế ăn chất béo, tăng chất xơ, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
– Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, uống đủ nước mỗi ngày, tránh sử dụng chất kích thích như trà, cà phê, socola, trà…
– Khi bị tiêu chảy, không ăn chất xơ để tránh làm tổn thương thành ruột, không ăn rau sống và các loại trái cây khô.
– Điều chỉnh lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho hợp lý, duy trì thói quen vận động mỗi ngày, chỉ dùng thuốc khi cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ.
– Hạn chế các sản phẩm từ sữa, thay vào đó nên dùng sữa đậu nành.
– Tránh sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau như: Aspirin, ibuprofen, naproxen, voltaren, feldene… Vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết đại tràng.
7. Viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe. Bởi khả năng điều trị dứt điểm của bệnh rất thấp, cũng rất dễ tái phát và có nguy cơ phát triển thành ung thư đại tràng tương đối cao.
Hơn thế, nếu người bệnh tự ý mua thuốc về uống, không điều trị triệt để bệnh đến khi bệnh diễn biến nặng mới đến gặp bác sĩ. Lúc này, đại tràng đã bị teo nhỏ và rất khó điều trị. Chưa dừng ở đó, bệnh viêm đại tràng còn có thể gây ra một số biến chứng như: Xuất huyết ồ ạt, thủng đại tràng, giãn đại tràng cấp tính, ung thư đại tràng.
Bài viết trên đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin quan trọng về bệnh viêm đại tràng. Mong rằng những nội dung mà chúng tôi vừa chia sẻ, sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về bệnh. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác với căn bệnh này bằng cách áp dụng những biện pháp phòng ngừa và khám sức khỏe thường xuyên định kỳ.