Rong kinh là gì? Bệnh rong kinh có nguy hiểm không? 

Rong kinh là một bệnh lý rất phổ biến ở nữ giới. Bệnh có biểu hiện là chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày và lượng máu ra nhiều. Rong kinh nếu như không điều trị kịp thời sẽ tác động tiêu cực đến sinh hoạt của nữ giới, thậm chí là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. 

1. Những điều cần biết về bệnh rong kinh

Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 28 – 32 ngày, thời gian hành kinh trung bình từ 3 – 5 ngày, mất khoảng 50 – 80ml máu của mỗi người. Như chúng ta đã biết máu kinh thường có màu đỏ sẫm, không đông, xuất hiện nhiều chất vụn của tế bào niêm mạc âm đạo, tử cung và các vi khuẩn có sẵn trong âm đạo. Nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày và mất đi lượng máu vượt quá mức 80ml/chu kỳ thì được gọi là hiện tượng rong kinh. 

Rong kinh là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường
Rong kinh là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường

Dấu hiệu nhận biết của bệnh rong kinh là kinh nguyệt ra nhiều và cần phải thay băng liên tục mỗi. Vào ban đêm kinh nguyệt càng ra nhiều hơn, cần sử dụng cùng lúc nhiều miếng băng vệ sinh và phải thay băng trong đêm. Điều này khiến cho chị em gặp không ít khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt. 

Theo đó, máu kinh thường vón thành cục lớn nên phụ nữ hay bị đau bụng dưới. Rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài, thì người bệnh sẽ có biểu hiện mệt mỏi, thở dốc và có thể sẽ đối mặt với các triệu chứng thiếu máu. 

2. Nguyên nhân gây rong kinh 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh được chia làm 2 đội: Rong kinh cơ năng và rong kinh thực thể. 

– Rong kinh cơ năng: Thường gặp ở thời điểm đầu và cuối của giai đoạn dậy thì, cũng như giai đoạn tiền mãn kinh. Ở các giai đoạn này, nội tiết tố đều có những biến đổi nhất định, chẳng hạn lượng Estrogen tăng đột ngột hoặc giảm mạnh khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và lượng máu ra không kiểm soát. Thông thường, trong vòng 2 năm đầu sau khi bắt đầu hành kinh, nữ giới thường có vòng kinh không đều. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 21 – 40 ngày, lên xuống 10 ngày giữa các chu kỳ. Điều này sẽ khiến cho chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sẽ dài hơn bất thường. 

 Tổn thương thực thể ở tử cung hoặc buồng trứng cũng là nguyên nhân gây rong kinh 
Tổn thương thực thể ở tử cung hoặc buồng trứng cũng là nguyên nhân gây rong kinh

– Rong kinh thực thể: Nguyên nhân là do tổn thương thực thể ở tử cung hoặc buồng trứng. Chẳng hạn, viêm nội mạc tử cung, polyp buồng tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư nguyên bào nuôi,…

Bên cạnh đó, việc lạm dụng vào thuốc tránh thai khẩn cấp cũng là một yếu tố dẫn đến hiện tượng rong kinh. 

3. Bệnh rong kinh có nguy hiểm không?

Rong kinh kéo dài không chỉ gây ra nhiều “phiền toái” cho phái đẹp, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người lại có tâm lý chủ quan trước căn bệnh này và cho rằng đó là một hiện tượng bình thường ở nữ giới. Dưới đây là một số biến chứng của rong kinh bạn nên biết: 

– Khi bị rong kinh phái đẹp sẽ mất nhiều máu, dẫn đến bệnh thiếu máu với các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở…

– Ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, khiến chị em cảm thấy khó chịu, mang tâm lý lo lắng và sợ hãi mỗi khi đến “kỳ đèn đỏ”. 

– Máu kinh kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Lúc này, vi khuẩn có thể lan ngược từ âm hộ và âm đạo vào buồng tử cung lên vòi trứng, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, thậm chí là gây vô sinh sau này. 

Rong kinh dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra rất nhiều hệ lụy
Rong kinh dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra rất nhiều hệ lụy

– Rong kinh còn là dấu hiệu cảnh báo của bệnh phụ khoa như: U xơ tử cung, polyp tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng đa năng… Đây đều là những bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng khôn lường về sức khỏe. 

4. Nên làm gì khi bị rong kinh?

Để vượt qua những ngày “đèn đỏ” dai dẳng một cách thoải mái và dễ dàng hơn chị em có thể áp dụng những mẹo sau đây: 

– Tăng cường sức khỏe cho cơ thể bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên. Giữ tinh thần lạc quan, tránh lo âu, căng thẳng.

– Duy trì chế độ ăn uống ít thịt và chất béo, tích cực bổ sung thực phẩm giàu magie, kẽm, sắt, vitamin B1, B6 và vitamin E.

– Tuyệt đối tránh xa các chất kích thích như cà phê, rượu và hạn chế ăn cay trong kỳ kinh nguyệt.

– Ăn ngải cứu thường xuyên vì đây là một loại nguyên liệu thiên nhiên có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, giảm lượng máu xấu trong chu kỳ kinh. 

– Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh. 

– Hạn chế vận động mạnh, nằm nghỉ ngơi nếu lượng máu ra quá nhiều.

Nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp những ngày “đèn đỏ” của bạn vượt qua dễ dàng hơn
Nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp những ngày “đèn đỏ” của bạn vượt qua dễ dàng hơn

5. Cách chẩn đoán tình trạng rong kinh

Một số xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định để đưa ra kết quả chính xác về bệnh rong kinh bao gồm:

– Nội soi tử cung, siêu âm vùng chậu.

– Sinh thiết nội mạc tử cung: Tiến hành tách lấy một phần mô nội mạc tử cung và soi dưới kính hiển vi. 

– Chụp cộng hưởng từ: Là một phương pháp xét nghiệm dùng tính cực mạnh của nam châm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể.

– Siêu âm bơm nước lòng tử cung: Thủ thuật siêu âm sử dụng chất lỏng vô trùng bơm vào tử cung thông qua cổ tử cung để ghi nhận hình ảnh bên trong. 

6. Điều trị bệnh rong kinh như thế nào? 

6.1. Sử dụng thuốc điều trị rong kinh

Sử dụng thuốc là cách đơn giản nhất để điều trị tình trạng kinh nguyệt ra nhiều. Một số loại thuốc thường được bác sĩ áp dụng có thể kể đến:

– Nếu nguyên nhân gây ra rong kinh là do rụng trứng, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang hay u xơ, sẽ sử dụng một số thuốc nhóm nội tiết tố. Các loại thuốc này sẽ có tác dụng làm giảm lượng máu kinh nguyệt, giúp cho chu kỳ kinh đều đặn hơn hoặc cầm máu hoàn toàn.

– Liệu pháp hormone sẽ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chữa bệnh rong kinh trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, trước khi sử dụng liệu pháp hormone, người bệnh cần phải cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro (tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và ung thư) trước khi điều trị bệnh. 

Thuốc là cách đơn giản nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị rong kinh
Thuốc là cách đơn giản nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị rong kinh

– Chất chủ vận GnRH (Hormone giải phóng Gonadotropin) có tác dụng ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt và giảm kích thước của u xơ. Nhóm thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn thường dưới 6 tháng. Vì khả năng ức chế của chúng đối với u xơ là tạm thời, nếu ngưng sử dụng thì u xơ sẽ có khả năng tái phát. 

– Axit Tranexamic: Thường được áp dụng để điều trị máu kinh nguyệt ra nhiều. Loại thuốc này có dạng viên nén và được dùng mỗi tháng vào lúc bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), điển hình là ibuprofen có tác dụng kiểm soát tình trạng chảy máu kinh nguyệt nghiêm trọng và giảm đau bụng kinh. 

– Trường hợp bị rối loạn chảy máu, thường sẽ được bác sĩ chỉ định thêm các loại thuốc đặc biệt giúp đông máu. 

6.2. Chữa bệnh rong kinh bằng cách phẫu thuật

Nếu như việc sử dụng thuốc không mang lại kết quả, thì phẫu thuật là phương án cuối cùng được áp dụng để chữa bệnh rong kinh:

– Thuyên tắc động mạch tử cung (UAE): Dùng để điều trị u xơ tử cung, khi thực hiện phẫu thuật UAE các mạch máu đến tử cung bị chặn lại. Điều này ngăn chặn nguồn cung cấp máu cho xơ phát triển.

– Cắt bỏ u xơ tử cung: Nhằm mục đích cắt bỏ u xơ mà không ảnh hưởng đến tử cung. 

Phẫu thuật là phương án cuối cùng điều trị những trường hợp rong kinh nghiêm trọng
Phẫu thuật là phương án cuối cùng điều trị những trường hợp rong kinh nghiêm trọng

– Nội soi buồng tử cung: Cắt đốt u xơ dưới niêm mạc tử cung.

– Cắt tử cung: Đây là sự lựa chọn cuối cùng để điều trị u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung, phương pháp này cũng được sử dụng thuốc điều trị ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, sau khi cắt bỏ tử cung phụ nữ sẽ hoàn toàn mất đi khả năng sinh sản và không còn kinh nguyệt nữa. 

Bệnh rong kinh dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tâm lý của nữ giới. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, cũng như khả năng sinh sản của nữ giới. Do đó, khi thấy bản thân có những biểu hiện rong kinh bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời, nhằm ngăn chặn những biến chứng của bệnh.