Thói quen sinh hoạt khoa học – Chìa khóa phòng ngừa Covid-19 hiệu quả

Dịch bệnh COVID-19 chưa có thuốc điều trị triệt để và vắc-xin dự phòng bệnh. Dưới đây là 3 lưu ý trong thói quen sinh hoạt hàng ngày để phòng ngừa hiệu quả trong khi dịch COVID-19 đang bùng phát.

Theo khuyến cáo của cử nhân Nguyễn Thị Loan, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, có 3 lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày người dân cần chú ý để luôn khỏe mạnh và phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 hiệu quả.

1. Rửa tay trước khi ăn

Rửa tay bằng xà phòng, dưới vòi nước sạch, tối thiểu 20 giây sau mỗi lần đi vệ sinh và trước khi ăn; khi nhìn thấy những vết bẩn trên tay để giúp giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh.

Rửa tay bằng xà phòng, dưới vòi nước sạch
Rửa tay bằng xà phòng, dưới vòi nước sạch

Với những người đang ho, sổ mũi thì cần đeo khẩu trang liên tục, đảm bảo che kín miệng mỗi lần ho; rửa tay sau mỗi lần xì mũi hoặc khi tay tiếp xúc vào các dịch tiết ở mũi và họng.

Trong trường hợp không có xà phòng và nước thì sử dụng cồn 70 độ xoa đều khắp bàn tay. Không đưa tay lên mắt, vào mũi và vào miệng nếu chưa rửa tay.

2. Tăng cường vận động thể lực

Vận động thể lực giúp tế bào tăng cường trao đổi chất, tăng đề kháng cho cơ thể. Tăng dần mức độ vận động tùy thuộc thói quen vận động hàng ngày của cơ thể.

Tăng cường vận động thể lực
Tăng cường vận động thể lực

Trong mùa dịch bệnh nên tránh luyện tập, vận động quá mức, khi cơ thể chưa kịp thích nghi vì làm cơ thể bị mệt mỏi, dễ nhiễm bệnh.

3. Đảm bảo khẩu phần ăn cân đối, hợp lý

– Đảm bảo năng lượng khẩu phần: Đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, tránh ăn quá no hoặc để cơ thể quá đói.

– Đảm bảo đủ chất đạm cho khẩu phần: Đạm (protein) là thành phần cấu trúc nên các phân tử có vai trò miễn dịch trong cơ thể. Do đó khẩu phần cần đảm bảo đủ chất đạm. Chất đạm nên cân đối từ nguồn động vật (thịt, cá/tôm, trứng, sữa) và từ nguồn thực vật (các loại đậu, đỗ)…

Bổ sung đạm cho cơ thể
Bổ sung đạm cho cơ thể

– Đủ vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong hình thành miễn dịch cho cơ thể. Vitamin và khoáng chất, ngoài lượng sẵn có trong thực phẩm cung cấp chất đạm, còn có nhiều trong rau xanh và trái cây. Do đó, người trưởng thành mỗi ngày cần đảm bảo 400-500gr rau/ngày

– Uống đủ nước: Uống nước nhiều lần trong ngày, đảm bảo cơ thể không bị khát. Lượng nước trung bình với người trưởng thành là 1,5 – 2 lít nước/ngày. Ở trẻ em, tùy thuộc độ tuổi và trọng lượng cơ thể mà lượng nước yêu cầu khác nhau, nhưng mục tiêu là trẻ tiểu tiện nước trong, vàng nhạt.

– Một số thực phẩm thông dụng hỗ trợ phòng cúm: Một số thực phẩm đã được khoa học chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của virus nói chung như hành, tỏi.

Do đó khẩu phần ăn hàng ngày nên thêm hành, tỏi như một loại gia vị. Ngoài ra, một số thực phẩm giúp cơ thể ấm lên, hạn chế tiết dịch đường hô hấp do nhiễm lạnh như tía tô, kinh giới, gừng, hạt tiêu, ớt, xả, gừng cũng nên được sử dụng hàng ngày.