Dấu hiệu cảnh báo suy nhược cơ thể bạn nên biết
Người bị suy nhược cơ thể thường có những biểu hiện mệt mỏi, thiếu sức sống, lo âu, thiếu tập trung và làm việc không hiệu quả. Tình trạng này nếu không được nhận biết và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
Cuộc sống hiện đại với nhiều bộn bề lo toan khiến nhiều người phải chịu những áp lực vô hình, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Về lâu dài sẽ khiến cơ thể bị suy nhược mà bản thân không hề hay biết. Vậy những biểu hiện của suy nhược cơ thể là gì và cách khắc phục ra sao? Hãy cùng Organika đi tìm câu trả lời qua bài viết!
1. Thế nào là suy nhược cơ thể?
Suy nhược cơ thể là tình trạng mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần, thiếu sức sống, không có khả năng tập trung khi làm việc, dẫn đến hiệu quả công việc kém. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời lâu dần sẽ khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, biếng ăn, kèm theo những biểu hiện như: Sút cân, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc, mất ngủ, suy giảm trí nhớ… Thậm chí, gây ra hiện tượng sợ hãi vô cớ, sống khép kín, không muốn giao tiếp với mọi người. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị suy nhược cơ thể nếu có lối sống không lành mạnh. Nhưng thường phổ biến ở độ tuổi từ 20 – 40 tuổi, nguyên nhân là do đây là độ tuổi phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong học tập hay công việc dẫn đến ăn uống không lành mạnh, cũng như nghỉ ngơi không hợp lý khiến cơ thể dễ bị suy nhược.
2. Nguyên nhân dẫn đến suy nhược cơ thể
Việc nắm được nguyên gây bệnh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến cơ thể bị suy nhược mà bạn nên biết:
– Lao động quá sức: Khi bạn lao động nặng, làm việc liên tục mà không nghỉ ngơi, cùng với đó là chế độ sinh hoạt không hợp lý sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống và suy nhược.
– Bệnh lý: Những người mắc bệnh về huyết áp, thiếu sắt, nhiễm trùng, suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm virus… cũng là đối tượng khiến sức khỏe suy giảm.
– Người bị trầm cảm: Người bị rối loạn cảm xúc, tâm lý bất ổn sẽ ảnh hưởng đến chế độ sinh hoạt thường và ăn uống hàng ngày, dẫn đến mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy nhược cơ thể.
– Nguyên nhân khác: Phụ nữ giai đoạn đầu mang thai hay người cao tuổi kém ăn cũng khiến cơ thể không đảm bảo được nguồn năng lượng cho các hoạt động của cơ thể dẫn đến kiệt sức.
– Thiếu hụt về chế độ dinh dưỡng: Những người không đảm bảo về chế độ dinh dưỡng, ăn uống kiêng khem, kén ăn hoặc thiếu chất…sẽ khiến cơ thể kiệt sức, thiếu sức sống.
3. Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị suy nhược
Người bị suy nhược cơ thể thường có những biểu hiện mệt mỏi, thiếu sức sống, lo âu, thiếu tập trung và làm việc không hiệu quả. Dưới đây là một số dấu hiệu cụ thể của người bị suy nhược cơ thể mà bạn nên lưu tâm:
– Da xanh xao, mệt mỏi, thiếu sức sống hay đổ mồ hôi trộm, thậm chí ngất xỉu
– Bệnh kéo dài không khỏi hơn 6 tháng
– Viêm họng, đau cơ, đau khớp nhưng không sưng đỏ
– Nổi hạch lympho mềm, đau đầu, khó ngủ
– Khó nhớ hoặc kém tập trung khi làm bất cứ việc gì
– Luôn ở trong trạng thái lo lắng, bối rối, bi quan, dễ cáu gắt
– Biếng ăn, đầy hơi, buồn nôn, ăn không ngon miệng và sụt cân thất thường.
– Tâm trạng thay đổi thất thường, giảm khả năng tình dục.
4. Phương pháp điều trị và phòng ngừa suy nhược cơ thể
Suy nhược cơ thể kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Đầu tiên là làm cho sức khỏe yếu đi, sụt cân nhanh và giảm khả năng miễn dịch. Tiếp đến, là tác động tiêu cực đến tâm lý khiến bạn mệt mỏi, thiếu tập trung và giải quyết vấn đề kém làm giảm hiệu suất học tập và công việc.
Không những vậy, tình trạng này nếu kéo dài còn có thể dẫn đến chứng trầm cảm, sống khép kín kèm theo nhiều biểu hiện khôn lường khác. Vì vậy, cần có những giải pháp để cải thiện kịp thời.
4.1. Thay đổi chế độ sinh hoạt
Để đẩy lùi tình trạng suy nhược cơ thể trước tiên chúng ta cần phải thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Cùng với đó là một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, kết hợp với tập luyện thường xuyên. Điều này sẽ giúp cải thiện tinh thần, kích thích cảm giác thèm ăn và ăn ngon.
4.2. Giữ tâm lý thoải mái
Các vấn đề về tâm lý cũng là yếu tố gây ra tình trạng suy nhược cơ thể. Trong trường hợp này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham gia các hoạt động chia sẻ về cuộc sống để xua đi những căng thẳng, bi quan và dần tìm lại được niềm vui mỗi ngày.
4.3. Sử dụng thuốc
Đây là phương án cuối cùng để điều trị suy nhược cơ thể, thường sử dụng cho trường hợp bệnh lý khiến cơ thể kiệt sức. Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định sử dụng thuốc giảm đau hay các loại thực phẩm chức năng để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, khắc phục tình trạng suy nhược cơ thể do thiếu chất.
Suy nhược cơ thể là tình trạng mà bất kỳ ai có thể đối mặt và dễ dàng nhận biết qua những dấu hiệu bất thường của sức khỏe. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần biết tìm ra nguyên nhân để khắc phục và phòng ngừa tận gốc. Vì vậy, bạn cần phải đặc biệt chú ý đến những biểu hiện bất thường về cơ thể bởi đó có thể là một lời cảnh báo sức khỏe đang trên đà suy giảm.