Mệt mỏi mỗi ngày – Cảnh báo điều gì về sức khỏe?
Nhịp sống bận rộn khiến mỗi chúng ta phải tất bật chạy theo dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi quá mức. Tuy nhiên, mệt mỏi cũng là một dấu hiệu cảnh báo cơ thể của bạn đang phát tín hiệu “cầu cứu”. Do đó, khi có biểu hiện mệt mỏi kéo dài bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Để tìm hiểu rõ hơn mệt mỏi cảnh báo điều gì về sức khỏe mời bạn tham khảo qua bài viết!
1. Biểu hiện của mệt mỏi là gì?
Mệt mỏi là một biểu hiện hầu như ai ai cũng từng đối mặt. Đây là tình trạng khiến cơ thể uể oải, kiệt sức và không có tinh thần làm bất cứ việc gì. Theo đó, biểu hiện mệt mỏi xuất hiện khi bạn mất ngủ, ngủ không đủ giấc, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn , làm việc quá sức, nghỉ ngơi không điều độ hoặc trong trường hợp bị cảm cúm, cảnh lạnh.
Mặc dù, cảm giác mệt mỏi không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến cơ thể không có năng lượng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Khi cơ thể mệt mỏi mỗi ngày có thể là do thói quen sinh hoạt, yếu tố tâm lý, thậm chí là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc các bệnh lý.
2. Đừng chủ quan trước tình trạng mệt mỏi kéo dài
Nhiều người thường có tâm lý chủ quan trước biểu hiện mệt mỏi của cơ thể cho rằng nó sẽ khỏi khi cơ thể được nghỉ ngơi hoặc chữa cháy bằng cách sử dụng thuốc. Thế nhưng, những cách làm này chỉ có tác dụng tức thời, song cơ thể vẫn mệt mỏi kéo dài. Để điều trị dứt điểm tình trạng này bạn nên tìm hiểu trước nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi mà bạn nên lưu tâm:
2.1. Thiếu máu
Khi cơ thể bị thiếu máu, quá trình trao đổi chất và cung cấp oxy cho tế bào cũng sẽ bị ảnh hưởng khiến cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, thiếu năng lượng, kiệt sức, không có tinh thần để làm bất cứ việc gì. Chưa dừng ở đó, tình trạng thiếu máu còn khiến người bệnh cảm thấy khó ngủ, chán ăn, đau bụng, ù tai, rụng tóc, tay chân lạnh, nhịp tim không đều. Để cải thiện những triệu chứng này, bạn cần bổ sung sắt cho cơ thể để giảm nguy cơ thiếu máu.
2.2. Mắc bệnh tiểu đường
Bên cạnh việc thiếu máu, người mắc bệnh tiểu đường cũng có biểu hiện mệt mỏi. Bởi người mắc bệnh tiểu đường thường có lượng đường trong máu cao. Điều này có thể gây ra mệt mỏi, khát nước, đi tiểu thường xuyên, đói, sụt cân bất thường, khó chịu và thị lực suy giảm thị lực. Trong đó, mệt mỏi là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất đối với những người đang đối mặt với tình trạng này.
2.3. Suy tuyến thượng thận
Người mắc bệnh suy tuyến thượng thận cũng có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi. Nguyên nhân là do tuyến thượng thận hoạt động không bình thường. Bên cạnh cảm giác mệt mỏi, người bị suy tuyến thượng thận còn có biểu hiệu sụt cân, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy và thay đổi sắc tố da.
2.4. Bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một bệnh lý phổ biến ở giới trẻ, khiến người bệnh cảm thấy buồn phiền, mệt mỏi, không có hứng thú vào bất cứ việc gì. Cùng với đó, thói quen sinh hoạt thay đổi, khiến người bệnh có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là làm hại bản thân. Theo đó, tình trạng mệt mỏi kéo dài của những người bị trầm cảm sẽ rất đáng lo ngại nếu không được phát hiện kịp thời.
2.5. Thiếu Vitamin B12
Thiếu Vitamin B12 cũng là một nguyên nhân hàng đầu khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Loại Vitamin này có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ, tham gia vào quá trình trao đổi chất và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Khi cơ thể thiếu Vitamin B12 sẽ khiến các cơ quan trong cơ thể không hoạt động hiệu quả. Đồng thời, dẫn đến hiện tượng mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
Nếu bạn cảm thấy cơ thể mệt mỏi kéo dài, kèm theo các triệu chứng khác như ngứa ngáy tay chân, chóng mặt, giảm trí nhớ, thị lực… thì đó dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu vitamin B12. Lúc này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và đưa ra lời khuyên phù hợp. Một số yếu tố dẫn đến thiếu vitamin B12 gồm: Thuốc trị tiểu đường, tuổi già, tiêu hóa và không đảm bảo về chế độ ăn uống.
2.6. Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Đây là tình trạng rối loạn gây ra tình trạng mệt mỏi mãn tính ở các mức độ khác nhau, kèm theo cảm giác uể oải. Ngay cả khi người bệnh đã nghỉ ngơi một thời gian, tình trạng vẫn không được cải thiện. Để đẩy lùi tình trạng này bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Ngoài những vấn đề về sức khỏe nêu trên, tình trạng mệt mỏi mỗi ngày cũng có thể triệu chứng của người mắc bệnh tuyến giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ hay mắc các bệnh về đường hô hấp. Chính vì vậy, bạn tuyệt đối không được chủ quan khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thay vào đó nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, cũng như các bệnh lý có thể gặp phải khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài. Có thể thấy, mệt mỏi là một triệu chứng không thể xem thường, vậy nên khi cảm thấy cơ thể có biểu hiện mệt mỏi bạn hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị đúng cách để không làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập, cũng như công việc và cuộc sống.