Mồng tơi: Lợi ích sức khỏe ít người biết

Mồng tơi là một loại rau khá quen thuộc, được sử dụng để chế biến nhiều món ăn trong bữa cơm gia đình Việt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, loại rau quen thuộc này lại là “vị thuốc” tốt cho tim mạch, ngăn ngừa Alzheimer và nhiều bệnh lý khác.

Lợi ích sức khỏe của mồng tơi

Mồng tơi có tên khoa học là Basella alba L, đây là một loại cây dây leo phổ biến ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Do có đặc tính phân bố sinh thái ở các vùng nhiệt đới nóng ẩm nên ta có thể bắt gặp nó ở một số nơi như: Ấn Độ, châu Phi, Philippines và các nước Đông Nam Á khác. Bộ phận lá và đọt thân còn non của cây mồng tơi thường được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày hoặc được dùng để làm thực phẩm bổ dưỡng nhằm hỗ trợ và điều trị một số bệnh thông thường.

Rau mồng tơi khá dồi dào vitamin và khoáng chất. Nổi bật nhất là hàm lượng sắt, canxi, vitamin A, C và các vitamin nhóm B. Đây đều là những yếu tố vi lượng cần thiết cho cơ thể giúp nâng cao sức đề kháng cũng như có giá trị trong một số vấn đề về sức khỏe.

Mồng tơi có nhiều lợi ích đối với sức khỏe
Mồng tơi có nhiều lợi ích đối với sức khỏe

Cụ thể, nó là thực phẩm có lợi cho những người thiếu máu như: người cao tuổi, suy nhược. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai thì nó vô cùng hữu ích, vì để hình thành một cơ thể sống hoàn thiện đòi hỏi người mẹ phải cung cấp các vi chất cần thiết để hạn chế những khuyết tật cho bé trong quá trình thai sản. Do đó, việc sử dụng những thực phẩm giàu vi lượng là việc làm vô cùng ý nghĩa đối với các bà mẹ. Không những vậy, rau mồng tơi còn giúp cho quá trình sinh đẻ được diễn ra thuận lợi hơn, sản phụ sẽ đỡ đau hơn trong quá trình co bóp tử cung, giúp hạn chế được những can thiệp ngoại khoa không mong muốn. Đồng thời, việc dùng cho phụ nữ sau khi sinh cũng rất tốt vì nó cũng có tác dụng giúp cho người mẹ vừa lợi sữa vừa bổ máu.

Các nhà dinh dưỡng học cũng thấy rằng, việc sử dụng rau mồng tơi vào cơ thể sinh ra rất ít năng lượng và chất béo, nhưng ngược lại trong nó có chứa rất nhiều những yếu tố dinh dưỡng khác. Do đó, đây là một trong những món ăn được khuyến nghị dành cho người béo phì, cũng như những bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc những người bị rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt trung, tán nhiệt, lợi đại tiện
Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt trung, tán nhiệt, lợi đại tiện

Ta cũng nên biết rằng, ở những đối tượng kể trên đều cần có những chế độ ăn uống phù hợp, nếu biết tiết chế và ăn uống hợp lý thì thực phẩm sẽ vừa là một món ăn ngon đồng thời cũng vừa là một bài thuốc hữu hiệu, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh cũng như chặn đứng quá trình diễn tiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Khi sử dụng rau mồng tơi ta dễ dàng nhận thấy một đặc điểm nổi bật là nó chứa rất nhiều chất nhầy. Đây là một tính chất đặc biệt khiến cho loại rau này có ý nghĩa đối với một căn bệnh mà ta thường gặp trong đời sống hiện đại ngày nay. Đó là chứng táo bón. Đối với những người có biểu hiện đã nhiều ngày không đi ngoài hoặc mỗi lần đi đều cảm giác khó khăn, hoặc phân ra được nhưng khô cứng và ít, cảm giác của người mắc phải các triệu chứng này khi đó rất khó chịu, thường xuyên có biểu hiện nặng bụng hoặc sôi bụng, có khi là đau quặn bụng vùng dưới hoặc quanh rốn.

Việc sử dụng rau mồng tơi trong vài ngày cũng cho người bệnh những hiệu quả khá tích cực vì chất nhầy có trong rau giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, nó kích thích các nhu động ruột và có tác dụng nhuận trường tốt. Nhưng nếu đối tượng là những người đang bị các bệnh về đại tràng cấp hoặc mạn tính thì việc sử dụng thuốc và điều trị chuyên khoa là điều mà người bệnh không thể bỏ qua.

Một giá trị có lợi khác của chất nhầy có trong mồng tơi là nó làm ngăn chặn quá trình hấp thu chất béo trong đường tiêu hóa, điều này có ý nghĩa đối với những đối tượng mong muốn giảm cân hoặc những bệnh nhân có rối loạn mỡ máu.

Tác dụng nhuận trường nói trên không những được các nhà y học hiện đại nhắc đến và nghiên cứu, mà kể cả những người làm y học cổ truyền xưa và nay cũng đều đề cập đến công dụng này và ứng dụng nó một cách hiệu quả trong đời sống hàng ngày.

Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt trung, tán nhiệt, lợi đại tiện. Khi dùng lá tươi nấu canh dùng trong bữa ăn có thể giúp thanh nhiệt, nhuận trường. Ngoài ra, nếu lấy lá tươi giã nát đắp ngoài da ở một số nơi sưng viêm cũng có hiệu quả, ví dụ như sưng vú, nứt vú. Hoặc khi bị bỏng nhẹ ngoài da, phần nước sau khi giã lá mồng tơi cũng có tác dụng làm mát da, giải độc, giúp mau lành vết bỏng. Đồng thời việc dùng rau mồng tơi làm thực phẩm hàng ngày cũng giúp dưỡng da, trị rôm sảy, mụn nhọt hiệu quả, giải nhiệt trong mùa nóng. Mồng tơi có tác dụng tăng cường và lưu thông tân dịch trong cơ thể, cho nên ở những đối tượng hay bị khô nóng trong người, tiểu gắt, phân khô cứng khi sử dụng cũng mang lại hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, vì đặc tính gây hàn của mồng tơi mà ở một số đối tượng không nên sử dụng hoặc cẩn thận khi dùng như người đang bị đau bụng do lạnh, ăn uống kém tiêu, đi cầu phân lỏng hay tiêu chảy và kể cả những người đang bị cảm lạnh cũng nên hạn chế sử dụng.

Một số cách chế biến món ăn ngon với rau mồng tơi

Canh rau mồng tơi nấu với tôm

Chỉ dùng phần lá và đọt thân còn non của cây, sau đó rửa sạch dưới vòi nước. Dùng tôm đã lột vỏ, giã nát rồi ướp với gia vị, sau đó cho vào với dầu ăn xào xơ rồi đổ nước vào đun sôi. Nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn với khẩu vị rồi cho rau mồng tơi vào đun sôi trong thời gian ngắn rồi tắt bếp, tránh trường hợp để lửa quá lâu dẫn đến rau quá chín sẽ mất ngon. Như vậy, bạn và gia đình đã có một món canh ngon lại bổ dưỡng nhưng vô cùng đơn giản.

Canh rau mồng tơi nấu với tôm
Canh rau mồng tơi nấu với tôm

Mồng tơi xào tỏi

Chọn những cây mồng tơi có nhiều ngọn, ít lá, lá càng nhỏ thì càng ngon. Nhặt sạch rau, rửa dưới vòi nước và để cho rau ráo nước. Dùng tỏi củ bóc vỏ, đập dập. Làm nóng chảo trên bếp cùng với dầu ăn, rồi cho tỏi vào phi thơm, sau đó cho rau mồng tơi đã chuẩn bị vào, nêm nếm gia vị cho phù hợp rồi xào rau tới chín mềm thì tắt bếp. Vậy là bạn đã có thêm một món ăn ngon nữa.

Ngoài ra, còn có một số cách chế biến món ăn khác với mồng tơi có phần kỳ công hơn như: canh rau đay mồng tơi nấu với cá rô đồng hay cháo ếch rau mồng tơi cũng khá ngon và nhiều dinh dưỡng không kém.

Mồng tơi xào tỏi
Mồng tơi xào tỏi

Bên cạnh những lợi ích của mồng tơi thì chị em cần biết rau mồng tơi cũng có những tác hại đó là rau mồng chứa nhiều chất purin- đây là một hợp chất hữu cơ khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric. Nếu hàm lượng acid uric trong cơ thể cao sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận, tăng nồng độ caxi trong nước tiểu khiến sỏi thận ngày càng to và trầm trọng hơn. Đối với người đang bị tiêu chảy tuyệt đối không được ăn rau mồng tơi vì ăn mồng tơi sẽ càng khiến bệnh càng trầm trọng hơn.