Những vấn đề về sức khỏe thường gặp ngày Tết – Biết để phòng tránh

Tết là dịp mọi người được sum vầy với gia đình, gặp gỡ bạn bè, kết nối cùng người thân sau cả năm làm việc và học tập bận rộn. Những buổi gặp mặt không thể nào thiếu đi tiệc tùng, ăn uống. Việc vui chơi quá đà, cộng thêm chế độ sinh hoạt thất thường ngày Tết rất dễ dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe. Để có cái nhìn chi tiết hơn về vấn đề này, bạn hãy cùng Organika theo dõi hết bài viết sau đây nhé!

1. Tổng hợp những vấn đề sức khỏe dễ gặp ở dịp Tết

Nhiều người thường có thái độ thờ ơ, chủ quan về sức khỏe trong ngày Tết. Vì cho rằng “lơ là” một hai hôm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo các chuyên gia, ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học chỉ trong thời gian ngắn đã tác động lớn đến cơ thể. Bên cạnh đó, nó có thể trở thành thói xấu khó bỏ về sau. Một số thống kê đã cho thấy, ngày Tết là dịp “bùng nổ” vô số bệnh nguy hiểm:

1.1. Rối loạn tiêu hóa

Đây là một trong những tình trạng thường gặp ở nhiều người, với những triệu chứng điển hình như: Khó tiêu, chướng bụng, cảm giác đau nhói bụng sau mỗi lần ăn,… Và mức độ nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy,… Được biết đây là hiện tượng tiếp nạp lượng nước quá nhiều, vượt qua ngưỡng cho phép bình thường của cơ thể. Để cân bằng, cơ thể bắt buộc loại bỏ bớt một lượng thức ăn ra ngoài. 

Ăn uống không kiểm soát ngày Tết có thể gây ra chứng rối loạn tiêu hóa
Ăn uống không kiểm soát ngày Tết có thể gây ra chứng rối loạn tiêu hóa

Dịp Tết với những bữa tiệc kéo dài, thói quen dùng rượu bia trong bàn ăn là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Theo đó, để cải thiện, người bệnh có thể dùng men tiêu hóa, tận dụng gừng hoặc sữa chua,… nếu vẫn không thuyên giảm thì phải đến cơ sở y tế để được thăm khám. 

1.2. Ngộ độc thực phẩm

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày Tết rất khó kiểm soát. Vì vậy không quá ngạc nhiên khi hiện tượng ngộ độc thực phẩm gia tăng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tùy thuộc vào từng mức độ ngộ độc mà biểu hiện sẽ khác nhau ở mỗi đối tượng. Nhưng chung quy sẽ có một số dấu hiệu như: Buồn nôn, ói mửa, đau nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, sốt nhẹ,… Ngộ độc thực phẩm ngày Tết có thể vì các chất phụ gia cầm, thực phẩm còn tồn đọng thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn,… 

Một khi có biểu hiện lạ xuất hiện sau bữa ăn, nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần ngừng ngay việc sử dụng. Đồng thời, đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi, chẩn đoán cụ thể. Tuyệt đối không áp dụng những phương pháp điều trị ngộ độc tại nhà khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ. 

1.3. Dị ứng thực phẩm

Ngày Tết đặc trưng với những món ăn ngon, bên cạnh đó nhiều gia đình còn sáng tạo các món ăn mới, nhằm tạo ra sự khác lạ, hấp dẫn người dùng. Tuy nhiên, những nguyên liệu mới có thể gây dị ứng thực phẩm, đặc biệt là hải sản. Thêm vào đó, khi tham gia những buổi tiệc, không phải ai cũng nắm rõ thành phần có trong từng món ăn, điều này khiến người có cơ địa dị ứng rất dễ mắc phải. 

Sử dụng những món ăn lạ vào ngày Tết là lý do nhiều người bị dị ứng thực phẩm
Sử dụng những món ăn lạ vào ngày Tết là lý do nhiều người bị dị ứng thực phẩm

Người bị dị ứng thực phẩm thông thường sẽ có những triệu chứng như: Ngứa toàn thân, xuất huyết, nổi mẩn đỏ, khó thở, mệt mỏi,… 

1.4. Gout trở nặng

Gout là một trong những căn bệnh cần đặc biệt lưu tâm trong ngày Tết, vì chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến các triệu chứng gout. Một khi dung nạp quá nhiều chất đạm, thực phẩm chứa purin hay các thức uống có cồn đều là tác nhân khiến gout tồi tệ hơn. Chúng có thể khiến cơn đau gout xuất hiện với tần suất dày đặc, mức độ đau nhức gia tăng, không những thế còn kéo theo hiện tượng sưng viêm. 

Thêm vào đó, thời tiết những ngày Tết đến Xuân sang thường trở lạnh, đây cũng là thủ phạm khiến bệnh gout tiến triển xấu. Để kiểm soát được căn bệnh này dịp Tết, người bệnh cần ăn uống hợp lý, tuân thủ chế độ từ bác sĩ. Và cố gắng giữ ấm cơ thể, đồng thời bệnh nhân phải xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học. 

1.5. Ngộ độc rượu 

Ngộ độc rượu là hiện tượng đáng báo động mỗi dịp Tết. Được biết, những ca ngộ độc do rượu chiếm tỷ lệ vô cùng cao, nó chỉ xếp sau tai nạn giao thông. Theo các chuyên gia, việc sử dụng rượu cũng như các thức uống có cồn quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc, mà nhiều còn thờ ơ. 

Ngộ độc rượu là tình trạng ngày càng phổ biến mỗi dịp Tết
Ngộ độc rượu là tình trạng ngày càng phổ biến mỗi dịp Tết

Ngoài ra, rượu giả, kém chất lượng trên thị trường ngày một nhiều, việc dùng phải những sản phẩm này cũng dễ dàng bị ngộ độc, tác động lớn đến sức khỏe người dùng. Một khi bị ngộ độc vì rượu, nếu không có biện pháp cứu chữa kịp thời, có thể gây tử vong. 

1.6. Tăng nồng độ đường huyết trong máu

Dịp Tết có thể xem là thời gian “khó khăn” của bệnh nhân tiểu đường trong việc kiểm soát lượng đường huyết. Theo đó, những món ăn truyền thống ngày Tết như: Mứt dừa, bánh chưng, thịt kho,… đều chứa lượng đường cũng như tinh bột cao. Nếu người mắc bệnh đái tháo đường tiếp nạp quá nhiều các món ăn này, thì nguy cơ gây ra biến chứng cực kỳ cao. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát chế độ dinh dưỡng trong những ngày Tết về, cân bằng giữa các nhóm chất trong thực đơn mỗi bữa ăn.

2. Lưu ý về dinh dưỡng – sinh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe ngày Tết

Như đã đề cập ở phần trên, dịp Tết có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe. Bên cạnh 6 vấn đề đặc trưng đã được nhắc đến, thì lối sống và ăn uống “vô tội vạ” ngày Xuân sang có thể kéo theo những hiện tượng: Tăng huyết áp, viêm cấp tụy, đột quỵ, những vấn đề về tim mạch… Để hạn chế được những tình trạng này, bạn có thể tham khảo qua một số phương pháp sau:

– Đảm bảo ăn uống điều độ, không nên ăn quá no cũng như bỏ bữa. Ưu tiên những bữa tiệc tổ chức tại nhà, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn,…

– Ngủ đủ giấc, cố gắng duy trì giấc ngủ từ 7 đến 8 tiếng/đêm. Bổ sung nước mỗi ngày, nên dùng nước lọc hoặc các loại nước ép hoa quả từ 1.5 đến 2 lít/ngày.

– Khi trời trở lạnh cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt chú ý đến trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Mỗi khi ra ngoài, hãy chuẩn bị đầy đủ áo ấm, bao tay, vớ, khăn choàng cổ,… Ở những nơi nhiệt độ thấp, hạn chế ra ngoài vào đêm khuya và sáng sớm. 

Ngày Tết thêm vui với sức khỏe tràn đầy
Ngày Tết thêm vui với sức khỏe tràn đầy

– Chăm vận động, mỗi ngày dành ra 20 – 30 phút luyện tập những bài tập vừa sức mình. Có thể lựa chọn các bộ môn đơn giản như: Nhảy dây, đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp,… 

– Chuẩn bị các loại thuốc cần thiết trong nhà: Đau bụng, tiêu chảy, đau đầu,… để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. 

– Khi cơ thể có những triệu chứng lạ, phải thông báo ngay với người thân để có phương án can thiệp nhanh nhất. Tốt hơn hết, hãy đến bệnh viện để được thăm khám. 

– Những ai có bệnh nền: Đái tháo đường, huyết áp, tim mạch,… luôn mang theo thuốc bên mình và sử dụng đúng giờ. 

Bài viết trên nhằm chia sẻ đến bạn đọc những thông tin liên quan về những vấn đề sức khỏe thường gặp ngày Tết. Hy vọng qua nội dung có trong bài bạn phần nào đó đánh giá được mức độ nguy hiểm của chúng. Từ đó có phương pháp phòng tránh hiệu quả cho bản thân và gia đình. Tết là dịp vui chơi, thư giãn sau chuỗi ngày lao động vất vã, tuy nhiên chúng ta không quên chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bạn nhé! Chúc bạn và người thân có một năm mới tràn đầy niềm vui, thành công và hạnh phúc.