Thức khuya và những tác hại không lường trước
Hiện nay, nhiều người có thói quen thức khuya để làm việc, xem phim, lướt mạng xã hội,… mà không biết điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thời gian ngủ là lúc để cơ thể được nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng cho ngày dài hoạt động. Do đó, nếu chúng ta thức khuya não bộ nói riêng và các cơ quan trong cơ thể nói chung sẽ làm việc quá sức, lâu ngày tác động lớn đến quá trình hoạt động của chúng. Từ đó sức khỏe tổng thể ngày một yếu dần, gây ra nhiều hệ lụy khác. Để có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này, bạn đừng bỏ qua bài viết bên dưới nhé!
1. Top 5 tác hại của việc thức khuya – Không phải ai cũng biết
1.1. Gây đau nhức đầu, suy giảm trí nhớ
Khi nhắc đến những tác hại của việc thức khuya, chúng ta không thể không nhắc đến tình trạng đau đầu và giảm trí nhớ. Một số thống kê khoa học đã đưa ra nhận định, những người thường xuyên thức quá trễ nhất là sau 22 giờ, sẽ đối mặt với vấn đề suy giảm trí nhớ cao gấp nhiều lần so với người thường. Cụ thể, trong thời điểm bạn thức não bộ sẽ tiếp tục ghi nhận thông tin, đồng nghĩa thời gian nghỉ ngơi giảm. Với điều kiện làm việc quá sức kéo dài, não sẽ bị trì trệ, điển hình nhất là giảm khả năng ghi nhớ.
Ngoài ra, ghi nhận ở nhóm đối tượng hay thức về đêm, họ thấy rằng thường xuyên có cảm giác đau nhức đầu vào ngày hôm sau. Không những thế, còn kéo theo nhiều dấu hiệu khác chẳng hạn như: Dễ cáu gắt, mệt mỏi, lo lắng, khó ngủ, hay bồn chồn,… Để nâng cao sức khỏe cho não bộ, điều đầu tiên bạn cần lưu tâm là ngủ đủ giấc mỗi ngày, tốt nhất là 8 tiếng.
1.2. Tác động đến hệ miễn dịch
Bên cạnh vấn đề giảm khả năng hoạt động của não bộ thì thức khuya cũng tác động lớn đến hệ miễn dịch. Khi cơ thể thiếu ngủ, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, thiếu tập trung và đồng thời khiến sức đề kháng giảm sút rõ rệt. Qua đó, khả năng chống lại những yếu tố gây bệnh bên ngoài cũng yếu dần.
Vì vậy, những ai thường xuyên thức quá khuya rất dễ mắc các bệnh như: Cảm cúm, viêm hệ hô hấp,… Theo các chuyên gia, để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, song song với việc ngủ đủ giấc, bạn cần có chế độ ăn uống khoa học, chăm luyện tập thể dục và chơi thể thao đều đặn,…
1.3. Ảnh hưởng nội tiết tố
Tác hại tiếp theo của việc thức khuya đó chính là gây rối loạn nội tiết tố. Có thể bạn chưa biết, thời gian ngủ là “thời điểm vàng” để sản sinh ra hormone cân bằng, hỗ trợ đắc lực cho việc ngăn cơ thể rơi vào tình trạng mất ổn định nội tiết tố. Nhóm người có thói quen thức khuya hay giấc ngủ không đảm bảo chất lượng được xem là nguyên nhân khiến lượng hormone tăng giảm không ổn định.
Với các chị em, nếu tình trạng thức khuya diễn ra liên tiếp rất dễ đối mặt với vấn đề rối loạn kinh nguyệt, tỉ lệ mắc u xơ tử cung cũng tăng cao,… Nội tiết tố mất cân bằng không được chủ quan, nó có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là sinh sản ở nữ giới. Do đó, nếu bạn cũng thuộc nhóm người hay thức trễ, thì cố gắng thay đổi để đảm bảo sức khỏe tốt hơn nhé!
1.4. Gây hại cho hệ tiêu hóa
Một điều đặc biệt ở hệ tiêu hóa mà có thể làm bạn bất ngờ, vào buổi tối mà cụ thể hơn là khi ngủ, những tế bào niêm mạc dạ dày có thể tái tạo lại đồng thời phục hồi các tổn thương. Đồng nghĩa với đó, các tế bào này sẽ không thực hiện được khả năng này nếu bạn thức khuya, và lâu dần sẽ suy yếu.
Hơn nữa, nếu cơ thể ngủ trễ sẽ làm cho dịch dạ dày tiết ra nhiều hơn thường ngày, từ đó dẫn đến hiện tượng viêm loét dạ dày. Đối với những ai không may mắc bệnh trước đó, thì quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn vì tình trạng bệnh ngày một xấu đi. Các bác sĩ đã khẳng định, bệnh nhân mắc các bệnh lý về dạ dày tá tràng mức độ bệnh sẽ tiến triển xấu nếu thức khuya nhiều, đồng thời với đó làm việc căng thẳng, thường xuyên xem chương trình có tính kích thích mạnh.
1.5. Suy giảm thị lực
Suốt ngày dài, mắt phải hoạt động liên tục, đặc biệt những người tính chất công việc phải dùng đến máy tính, điện thoại, các thiết bị điện tử nói chung, thì mắt sẽ điều tiết ở mức độ cao. Vào lúc chúng ta ngủ, mắt sẽ được nghỉ ngơi, tiếp thêm “năng lượng”. Trong trường hợp, bạn thức khuya và tiếp tục làm việc, cộng thêm điều kiện ánh sáng không đúng tiêu chuẩn, đòi hỏi mắt phải tiết thêm chất lỏng bôi trơn, dễ làm mắt trở nên mỏi, khô.
“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, bảo vệ mắt sáng khỏe là điều cần thiết bạn phải lưu tâm. Không chỉ khiến mắt mỏi, mà việc thức khuya và dùng điện thoại, máy tính liên tục, ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể làm tổn thương nhãn cầu, võng mạc. Chúng là những tổn thương vĩnh viễn, và được xem là một trong những tác nhân tạo nên nhiều bệnh về mắt: Cận thị, thoái hóa điểm vàng, mù lòa,…
2. Bật mí một số mẹo giúp bạn có giấc ngủ chất lượng hơn
Thông qua những tác hại đã được phân tích ở phần trên, chúng ta thấy được thức khuya là thói quen xấu cần được cải thiện. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng, giúp cơ thể được thư giãn, nạp thêm năng lượng, nâng cao sức khỏe. Để có được một giấc ngủ ngon, chất lượng đối với một số người rất khó. Do đó, hôm nay Organika sẽ mách bạn các mẹo để ngủ nhanh và sâu hơn:
– Lên lịch đi ngủ mỗi ngày và cố gắng thực hiện đúng, cách này tạo thói quen cho cơ thể, đồng hồ sinh học tự động được ghi nhận. Điều này giúp bạn dễ ngủ hơn vào đúng khung giờ đã đặt ra.
– Tập ngồi thiền hay yoga cũng là phương pháp được nhiều người lựa chọn để nâng cao giấc ngủ của bản thân. Chúng giúp bạn thoải mái, loại bỏ được căng thẳng, áp lực trong công việc, tinh thần được xoa dịu thì giấc ngủ mới được cải thiện.
– Hạn chế ngủ vào ban ngày quá nhiều, chúng sẽ làm bạn khó ngủ vào buổi đêm, từ đó rơi vào tình trạng thức khuya. Ngủ trưa chỉ nên kéo dài từ 30 – 45 phút, khi bạn mệt chỉ nên chợp mắt 5 – 10 phút.
– Hiện nay, một số người cũng lựa chọn nghe nhạc để dễ đi vào giấc ngủ hơn, đặc biệt là thể loại không lời. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các giai điệu âm nhạc sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn.
– Tạo không gian ngủ thoải mái nhất có thể: Chọn nệm, ga giường, gối, mền có độ cứng vừa phải, chất liệu thấm hút tốt, nhiệt độ phòng tốt nhất nên để từ 16 – 20 độ,…
– Bạn có thể dùng các loại tinh dầu mà mình yêu thích để trong phòng ngủ như: Hoa oải hương, bạc hà, cam,… Chúng cũng phần nào hỗ trợ bạn ngủ ngon hơn mỗi ngày.
– Nếu bạn nằm hoài mà vẫn không ngủ được thì có thể thử các cách sau: Đọc sách (không đọc sách điện tử), viết lách hay đơn giản hơn là viết nhật ký trong ngày, chơi các trò về trí tuệ (giải câu đố, tìm điểm khác biệt,…),… Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ ít nhất 30 phút.
Bài viết trên giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tác hại mà việc thức khuya gây ra cho cơ thể. Hy vọng thông qua nội dung bài viết độc giả sẽ có cái nhìn tổng quát hơn, từ đó xây dựng cho bản thân chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, canh chỉnh thời gian ngủ khoa học. Bên cạnh vấn đề thức khuya thì khó ngủ, mất ngủ cũng trở thành đề tài được nhiều người quan tâm. Nếu bạn cũng đang gặp vấn đề này, thì nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận về hướng giải quyết phù hợp nhất nhé!