Vì sao bạn thường xuyên bị khô mắt và mỏi mắt?

Khô mắt là một trong các bệnh lý phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân gây khô mắt, cũng như biện pháp phòng ngừa, chính là giải pháp tối ưu để tăng cường sức khỏe đôi mắt của bạn. 

1. Khô mắt là bệnh gì?

Nước mắt đóng vai trò thiết yếu để bảo vệ bề mặt nhãn cầu và duy trì thị lực. Cứ mỗi lần chúng ta nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu giúp nhãn cầu được bôi trơn và giảm tình trạng nhiễm khuẩn mắt. Đồng thời, làm nhiệm vụ rửa trôi các dị vật trong mắt và giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng và sạch sẽ. 

Nguyên nhân dẫn đến bệnh khô mắt là hậu quả của việc mất cân bằng giữa tiết nước mắt và thoát đi của nước mắt. Khi số lượng nước mắt tiết không đủ hoặc bốc hơi quá nhanh sẽ gây ra tình trạng khô mắt. Theo đó, chất lượng nước mắt tiết không tốt, bốc hơi quá nhanh hoặc dàn không đều trên giác mạc sẽ làm khô mắt. 

Khô mắt là tình trạng mất cân bằng giữa tiết nước mắt và thoát đi của nước mắt
Khô mắt là tình trạng mất cân bằng giữa tiết nước mắt và thoát đi của nước mắt

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô mắt 

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khô mắt, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến mà bạn cần nắm: 

Độ tuổi: Quá trình lão hóa tự nhiên là một yếu tố dẫn đến chứng khô mắt. Thông thường, những người trên dưới 65 tuổi sẽ xuất hiện vài triệu chứng của bệnh khô mắt. 

Giới tính: Nữ giới sẽ có khả năng dễ bị khô mắt hơn nam giới, nguyên nhân là do thay đổi hormone sau khi mang thai, sử dụng thuốc tránh thai và thời kỳ mãn kinh. 

Do thuốc: Các loại thuốc kháng sinh histamin, thuốc chống tăng huyết áp, thuốc chống viêm và thuốc giảm đau sẽ làm ảnh hưởng đến số lượng nước mắt tiết ra. 

Bệnh lý toàn thân hoặc tại mắt: Người bị viêm khớp dạng thấp, tổn thương tuyến giáp, đái tháo đường sẽ dễ đối mặt với hội chứng khô mắt. Theo đó, bệnh viêm nhiễm mí mắt, bề mặt nhãn cầu hoặc bất kỳ bệnh lý nào của mi mắt cũng là yếu tố gây khô mắt.

Một số yếu tố thuận lợi khác: Sử dụng kính trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt. Các phẫu thuật trên bề mặt kết mạc, giác mạc hay phẫu thuật phaco…cũng là tác nhân khiến chứng khô mắt nghiêm trọng hơn.

– Môi trường sống và làm việc: Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, nhiều gió hoặc thời tiết hanh khô sẽ làm nước mắt bốc hơi nhanh. Theo đó, khi làm việc với máy tính quá nhiều hay quá tập trung không chớp mắt thường xuyên cũng là nguyên nhân gây khô mắt.

Người thường xuyên làm việc trước màn hình máy tính là đối tượng rất dễ bị khô mắt
Người thường xuyên làm việc trước màn hình máy tính là đối tượng rất dễ bị khô mắt

3. Biểu hiện của khô mắt 

Việc nhận biết các triệu chứng của bệnh khô mắt là rất cần thiết để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Người bị khô mắt thường sẽ có những triệu chứng phổ biến như nhìn lờ mờ sau khi chớp, chảy nước mắt liên tục, xuất hiện ghèn trắng ở 2 hốc mắt. Dưới đây là dấu hiệu nhận biết mà bạn cần chú ý: 

– Cảm giác mắt khô rát, cộm như có cát trong mắt

– Đỏ hoặc nóng ở mắt

– Dễ chảy nước mắt

– Giảm thị lực, khó khăn về tầm nhìn trong hoạt động mỗi ngày. 

Với tình trạng khô mắt nghiêm trọng sẽ gây tổn thương bề mặt nhãn cầu và giảm thị lực.

Các triệu chứng của bệnh khô mắt sẽ làm ảnh hưởng đến thị lực
Các triệu chứng của bệnh khô mắt sẽ làm ảnh hưởng đến thị lực

4. Các biện pháp chẩn đoán khô mắt

Để chẩn đoán bệnh khô mắt thì cần phải dựa vào khám mắt một cách toàn diện, kèm theo là những xét nghiệm để xác định số lượng và chất lượng của nước mắt, chẳng hạn:

Kiểm tra tiền sử của người bệnh: Các triệu chứng gặp phải, những bệnh về hệ thống, quá trình sử dụng thuốc và các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc uống đang dùng, theo đó là môi trường sống và điều kiện làm việc. 

Kiểm tra bên ngoài nhãn cầu: Những bất thường khi mí mắt hoạt động và tần số chớp mắt.

Đánh giá tổn thương của kết mạc và mi mắt: Dùng sinh hiển vi kết hợp với đèn khe và độ phóng đại lớp 10 hoặc 16 lần.

Đánh giá về số lượng và chất lượng nước mắt: Cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt để xác định có khô mắt không và đưa ra lời khuyên, cũng như phác đồ điều trị phù hợp.

5. Người bị khô mắt nên làm gì?

Những mẹo đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả giúp giảm tình trạng khô mắt mà bạn không nên bỏ qua:

– Tập luyện và duy trì thói quen chớp mắt chậm và đều (khoảng 12 – 18 lần/phút) cho nước nước mắt dàn đều, làm ẩm giác mạc.

– Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc từ 7 – 8 mỗi ngày và hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử giúp mắt có thời gian nghỉ ngơi.

– Tránh để gió của máy sấy, quạt hay máy lạnh thổi vào mắt, nên sử dụng thuốc nhỏ mắt nhân tạo thường xuyên để tránh khô mắt. 

– Không hút thuốc và tránh để khói thuốc bay vào mắt.

– Hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và ánh sáng, nên mang kính râm khi đi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi những tác nhân gây hại.

Sử dụng nước nhỏ mắt nhân tạo là một  giải pháp được nhiều người lựa chọn để cải thiện tình trạng khô mắt 
Sử dụng nước nhỏ mắt nhân tạo là một  giải pháp được nhiều người lựa chọn để cải thiện tình trạng khô mắt

6. Cách phòng ngừa chứng khô mắt hiệu quả

Để ngăn chặn chứng khô mắt làm ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe, bạn nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa như sau:

– Thường xuyên nháy mắt khi đọc sách hoặc làm việc với máy tính trong thời gian dài.

– Làm tăng độ ẩm không khí tại nhà và nơi làm việc.

– Mang kính râm khi đi ra ngoài để ngăn chặn tác hại của ánh nắng và gió tác động lên vùng mắt.

– Uống nhiều nước mỗi ngày, tốt nhất là 2 lít nhằm cung cấp đủ nước cho cơ thể.

– Sử dụng các loại vitamin tự nhiên để làm giảm các triệu chứng khô mắt.

– Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho mắt vào khẩu phần ăn thường xuyên, đặc biệt là các thực phẩm có thể làm giảm khô mắt. 

– Đến các bệnh viện để khám mắt định kỳ.

Với cuộc sống hiện nay thì bệnh khô mắt đang dần phổ biến, đặc biệt là dân văn phòng phải làm việc với máy tính thường xuyên. Bệnh khô mắt tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng đến thị lực và kéo theo các biểu hiện đôi mắt mệt mỏi nặng trĩu, bỏng rát làm giảm sút hiệu quả công việc. Do đó, việc nắm được nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị khô mắt là rất quan trọng để phát hiện và tầm soát bệnh kịp thời không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của “cửa sổ tâm hồn”.